Làm gì khi thấy mình đang giận/ghét một đối tượng nào đó?
Thì cứ giận và/hoặc ghét tiếp thôi. Ghét cho thật oanh liệt và hết mình vào!
Nhiều người tu tập thường gò bó mình vào chuyện phải từ bi, hỉ xả, không được ghét hay giận vì đó là sân, si.
Nhưng mà ghét hay giận cũng vô thường thôi, không phải là “ta” hay “của ta”. Nó sẽ hết chóng vánh. Người tu cứ tưởng cơn giận là của mình, nên nếu giận thì mình xấu tính, bất thiện đi. Không phải như vậy. Bạn luôn là chính mình, trong suốt, trọn vẹn, dù trạng thái có đổi. Như là bầu trời và những đám mây vậy. Có lúc mây trắng, lúc mây đen, lúc không mây, nhưng bầu trời vẫn là bầu trời. Bạn không xấu hay kém đi chỉ vì cảm xúc nhất thời đi ngang.
Nhiều người cứ bị ám ảnh mãi cảm giác khó chịu với người khác chỉ vì họ không cho phép bản thân ghét hay giận người ta. Họ đè nén cơn tức của mình, tưởng rằng mình là người cao thượng, độ lượng. Do không có đất để bộc lộ nên cơn giận mãi ở đó, tạo thành thành kiến, nhân gian gọi là để bụng, hoặc “ghim”. Người ôm một bụng ghét sẽ chìm trong khổ, như là tự đánh vào tay mình nhưng mong người khác đau. Hơn nữa lại phát sinh ra mâu thuẫn nội tâm khi bản thân phải “gồng” để tỏ ra khác với cảm xúc thật bên trong. Trầm cảm thực chất chỉ là khi chính mình đã quá mệt với hình tượng mà bản thân xây dựng, mặt nạ mà mình mang với thế giới.
Còn nếu cảm xúc được nhìn thấy, cho phép (mà không phán xét), được thể hiện ra ngoài một cách lành mạnh, thì nó sẽ bốc hơi hoàn toàn. Mây đen tạo thành cơn mưa và khi mưa chạm tới đất hay chui vào lòng biển cả thì đám mây biến mất.
Có thời mình từng rất ghét ai đó, mình ghét nhiều đến nỗi tưởng rằng không thể tha thứ được. Nhưng rồi một ngày sau đó vài tháng mình phát hiện ra cơn ghét đã biến mất tiêu. Mình lại ”bình thường tâm” với họ mà không cần dụng công, không cần nỗ lực cố gắng để làm “người tốt”. Cho nên mình không có kẻ th.ù, chỉ có quá trời bạn tốt, vì đã đi qua thăng và trầm cùng nhau nhưng vẫn có thể làm hoà.
Ai muốn làm “người tốt” thì cứ làm. Mình chỉ là chính mình với mọi cung bậc cảm xúc bình thường, trong sự quan sát, chấp nhận, cho phép và thả lỏng.
Vì suy cho cùng á, chẳng có gì là vấn đề hết cả. Mọi tương tác giữa mình với người, dù trên bề mặt có tổn thương, cũng là một phước lành để ta nhận ra nhau, học cách thương nhau nhiều hơn một chút.
Để trở thành Phật, mọi năng lượng ghét, sân hận cần được bộc lộ và chuyển hoá thành từ bi và trí tuệ. Để đến được “bờ bên kia”, chúng mình cần bắt đầu bằng cách thật thà với sự thật trần trụi bên trong mỗi người tại đây ngay lúc này cái đã.
Tiên Alien
Để lại một bình luận