Tiếp tục topic Nếu lỡ phát hiện mình đang ghét/giận một người thì mình cứ tiếp tục ghét… cho hết cơn.
Bài trước trả lời cho câu hỏi What? (Làm gì?), bài này trả lời cho câu hỏi How? (Làm sao?): Làm sao để ghét một người trong chánh niệm?
Có thể bạn sẽ bảo nếu mình giữ chánh niệm mình sẽ không ghét nữa. Cũng đúng đối với những bạn đã có thói quen tỉnh biết sẽ dễ quay về trung tâm. Nhưng đối với những bạn chưa có định lực hoặc đối với những mối quan hệ mang tính nghiệp quả lớn (tình huống khó khăn, chạm đến “điểm yếu” của mình) thì vẫn cần có con đường.
Làm sao để ghét/giận một người nhưng không làm tổn thương ai cả? Không tự làm đau mình, cũng không làm khổ người khác?
Ghét, giận, bực tức,… là những trạng thái bình thường của con người. Sẽ rất bất thường nếu như bạn không cảm thấy gì cả. Nhưng sẽ còn tệ hơn nếu chỉ vì cảm xúc nhất thời mà bạn đưa ra những hành động bạ.o lự.c dù là thể chất hay tinh thần với chính mình và/hoặc người khác.
Bạn nên ghét/giận hết mình hết cỡ, nhưng riêng tư, kín đáo, một mình bạn mà không nhất thiết phải lôi người khác vào chịu cùng, dù cho người ta có là đối tượng gây ra cơn khó chịu đó. Thực chất yêu và ghét là rất riêng tư: Bạn yêu người ta, họ cũng không có nghĩa vụ đáp ứng tình cảm của bạn. Bạn ghét người ta, họ càng không có nghĩa vụ nhận lãnh cục cảm xúc đó.
Quan sát kỹ hơn, yêu và ghét xuất phát từ bên trong bạn, người kia chỉ là chất dẫn mà thôi. Thế thì bạn cần tự làm việc với bản thân mình, thay vì trút giận hay đổ lỗi lên đối tượng.
Những lúc tiêu cực, bạn có thế tách mình ra khỏi môi trường/người khiến bạn khó chịu. Dành cho mình một khoảng không gian riêng tư để cơn giận được trồi lên và kiên nhẫn quan sát nó. Lúc này, đừng phán xét bản thân vì đã tiêu cực. Ai lại phán xét mình vì một cú hắt hơi phải không? Cảm xúc của bạn cũng cần được xuất hiện và giải phóng ra ngoài như hắt xì hơi vậy. Chấp nhận và cho phép. Tha thứ cho chính mình vì đã nổi giận. Suy cho cùng mọi cảm xúc tiêu cực khi xuất hiện, người nhận lãnh cơn khó chịu nhất chính là mình.
Nếu như đối tượng bạn ghét và bạn đều hành Đạo, thực hành quan sát tỉnh biết, nếu bạn cảm thấy họ có đủ năng lực và sự trong suốt để đối diện với cơn giận/ghét của bạn, thì bạn có thể thông báo cho họ biết về cảm xúc của mình. Khi họ cũng có cùng thực hành bao dung và tha thứ giống bạn, họ sẽ cởi mở hơn với cơn giận, không phán xét, không để bụng, không vì chuyện đó mà ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ chung. Mà đó chỉ là cơ hội tốt để cả hai cùng soi chiếu bản thân mình trong nhau (Điều gì khiến mình cảm thấy bất an? Tại sao mình lại cáu?…) Đồng thời, giúp chúng ta có thể đi xa hơn để thấu hiểu và từ bi với nhau.
Để thông báo cho người kia về cảm xúc của mình, đầu tiên bạn phải nhận thấy ý định của mình là trong suốt và chân thành. Nghĩa là bạn muốn nói chỉ để nói, để đối phương cũng biết là bạn đang như thế nào, điều đó là kết quả của nhân gì trước đó, hướng giải quyết tiếp theo thế nào,… Chứ không phải nói để tấ.n côn.g hay gây tổn thương cho đối phương.
Sau đó, bạn có thể tạo ra không gian an toàn, riêng tư, thoải mái để chia sẻ cảm xúc đó của mình: “Em cảm thấy em đang giận anh. Vì hôm qua anh hứa là… mà anh không làm. Đối với em việc giữ lời hứa là rất quan trọng. Nếu anh không giữ lời, em sẽ cảm thấy là anh không yêu em.”
Lời chia sẻ của bạn nên là lời bộc lộ cảm xúc, góc nhìn của bạn trước tình huống đã xảy ra thay vì phán xét hay tấ.n cô.ng đối phương (“Em ghét anh vì anh không giữ lời hứa.”)
Câu “Nếu anh không giữ lời, em sẽ cảm thấy là anh không yêu em.” nó rất khác với câu “Anh không giữ lời là anh không yêu em rồi.”
Còn nếu đối phương không phải người hành Đạo, bạn cũng có thể bày tỏ cảm xúc, nếu bạn cảm thấy họ sẵn sàng để đón nhận điều đó mà không gây tổn thương cho họ hay cho mối quan hệ. Nếu không thì im lặng tận hưởng cảm xúc riêng của mình thôi. Cơn ghét của bạn có thể được bộc lộ dưới sự chứng kiến của bạn, không cần khán giả khác.
Nếu bạn cảm thấy mình đang giận quá mất khôn, nếu ý định của bạn không trong suốt và mang tính xây dựng mối quan hệ, vì cái “chúng ta” chung, thì thôi đừng bày tỏ ra chi hết cả. Mọi hành động, lời nói khi để cơn giận lấn át chỉ làm cho nhau tổn thương mà thôi.
Bản chất không nằm ở chỗ hoá giải nút thắt mối quan hệ, càng không phải làm sao cho bạn trở nên từ bi hơn. Mà đây là hành trình để chúng ta trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc con người, nhận ra nhau, ôm ấp sự khác biệt, và biết chính mình.
Tiên Alien
Trả lời