Tự do đôi khi không có nghĩa là không có giới hạn, mà là biết sử dụng giới hạn như một đòn bẩy để trải nghiệm cuộc sống này.
Giới – Định – Tuệ nghĩa là nhờ có giới hạn mà ta có thể định, từ đó phát triển trí tuệ. Tương tự như vậy, nhờ có kỷ luật mà chúng ta tự do khỏi chính bản ngã của mình.
Cơ thể chúng ta là một giới hạn. Nhờ được “gói” trong lớp cơ thể này mới có mình và bạn, nếu không chúng ta chỉ là những cái Không vô cùng tận. Nhờ có các giác quan, mà ta cảm nhận và nhận biết thế giới. Đồng thời, cơ thể này được nuôi dưỡng và tập luyện đến đâu thì ta “xài” được đến đó. Càng rèn luyện, cơ thể càng thông minh và dẻo dai, bền bỉ. Nhờ có thân này, ta mới có thể tu.
Là người làm việc tự do, nếu mình không có cho mình một số “ngách” để phát triển, thì mình sẽ tràn lan ra mọi phương hướng, gì cũng biết một chút nhưng chẳng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực gì.
Hoặc nếu không kỷ luật, một người tự do không bị quản bởi công ty, dù cho có deadline, cũng khó lòng phát triển bản thân, hay đi xa, đi dài. Thay vào đó, freelancer dễ làm nhiều việc nhỏ nhỏ, tủn mủn, vụn vặt, tuy bận rộn, nhưng chẳng dẫn tới đâu.
Giới hạn là biết nói “Không” đúng lúc, đúng chỗ với điều chẳng phù hợp với con người mình muốn trở thành. Trên đường đi sẽ có rất nhiều cám dỗ, nhiều chuyện ta có thể làm được, nhưng không có nghĩa là ta phải làm, vì chúng chẳng hướng tới mục tiêu.
Giới hạn còn được biểu hiện ở những mối quan hệ cam kết. Đối với những tâm hồn tu để giác ngộ, tự do mà nói thì mối quan hệ là cái gì đó xấu xí, là sở hữu. Nhưng thực chất thì nhờ có mối quan hệ cam kết mà ta có thể kết nối với một tâm hồn khác một cách sâu sắc, không chỉ ở cấp độ linh hồn, mà còn trong những chuyện nhỏ bé thường nhật. Vì ta lựa chọn gắn bó với người này, những người khác được đặt sang một bên, để ta khỏi phân tâm hay lăn tăn.
Giữ giới trong tu tập phổ biến nhất là 5 giới dành cho cư sĩ tại gia bên Phật giáo hoặc 10 điều răn bên Thiên chúa giáo. Xét ở góc độ phi nhị nguyên mà nói thì không có đúng và sai, phá giới đôi khi cũng không phải là có tội, chỉ là nhờ có giới đó mà người tu tập tinh tấn hơn trên hành trình đi tìm Sự thật.
Giới hạn giúp ta tập trung tốt hơn, thay vì chảy ra mọi hướng. Và nhờ có sự nhất tâm đó, ta có thể toàn tâm toàn ý, trọn vẹn với trải nghiệm, dù trong công việc, tình cảm hay tu tập.
Giới hạn là “vùng an toàn” của bạn. Đồng thời, nhớ rằng mỗi ngày từng bước bước ra khỏi vùng an toàn, thử những vũng nước mới.
Còn nhớ những ngày mình đứng ở bờ vực của cái tự do mênh mông vô cùng tận, mình đã cảm thấy sợ. Mọi người đang nỗ lực hết mình để chạm đến sự tự do toàn bộ, nhưng cũng chính chúng ta sợ hãi tự do. Vì ở đó chẳng có gì để nương tựa, hay bám vào. Không một giới hạn nào. Không một người để ta yêu thương, không một vị thầy để ta học hỏi, thậm chí còn không có chính ta… Chẳng gì cả.
Sau đó thì mình nhận ra Trước tỉnh thức có giới hạn, trong lúc tu cố bỏ giới hạn, sau tỉnh thức sử dụng giới hạn để trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn.
Giới hạn giống như là một phương tiện vậy. Và giới hạn cũng là để phá vỡ.
Mỗi lần chạm đến một giới hạn nào đó, là một cơ hội để bạn mở rộng thêm ra.
Mỗi lần trái tim tan vỡ, tim lại có khả năng yêu thương, bao dung và tha thứ nhiều hơn.
Mỗi khi ai đó kích hoạt tâm phân biệt, phán xét bên trong, là cơ hội để bạn học chấp nhận và ôm ấp sự khác biệt.
Giới hạn là một “hình tướng” để bạn vượt lên trên. Chiếc kén có ích với con sâu, nhưng chú bướm thì không cần nó nữa.
Tiên Alien
Để lại một bình luận