Bởi vì cách tiếp cận của mình với công việc mình làm rất khác so với các bạn. Nên mình có một hệ giá trị khác. Sau đây là một vài “nguyên tắc” cá nhân của mình. Và mình cũng mong là những bạn làm nội dung ngoài kia cũng sẽ suy nghĩ về giá trị cốt lõi của họ, tính đạo đức khi làm nghề. Mình tin rằng một thái độ đúng sẽ dẫn đến một kết quả tốt đẹp không chỉ cho con đường sự nghiệp mà còn là con đường phát triển bản thân.
Thực ra có thể các bạn trẻ ngoài kia không phải họ không có đạo đức đâu, mà là họ không biết. Họ không biết là họ có thể kiếm tiền một cách đàng hoàng, chân chính, không tạo ra những giá trị xấu, không cổ vũ cái xấu mà còn tạo ra được nhiều điều tốt đẹp.
Mình hoàn toàn không có ý cho mình là hay ho còn người khác thì không. Như mình đã viết ở bài Việc sáng tạo nội dung – Content creator, mình thực sự nể các bạn vì họ làm được điều quả thực mình không làm được. Và mình cũng tin rằng xã hội phải đa dạng phải có những người làm khoa học, và những người làm tâm linh. Phải có những người sống bền vững và những người sống nhanh vội. Phải có những người làm cho client và có những người làm cho agency. Chính sự đa dạng đó làm cuộc sống thú vị.
Ở đây, mình chỉ viết những gì mình sống theo, để mọi người tham khảo xem có phù hợp với bạn hay không. Nếu hợp thì, chúng ta cùng nhau đi.
Mình biết trên con đường tu sửa mình, mình đặt ra nhiều giới (hạn) cho bản thân: Không làm một số việc, không mua một số sản phẩm, không ăn thứ thế này và không gặp gỡ hay tiếp xúc với những người thế kia. Nhưng giới hạn là cần. Có giới sẽ có định tâm từ đó phát sinh trí tuệ. Chỉ cần ý thức được là mỗi ngày phải mở rộng vòng tròn giới hạn để phát triển, không quá cứng nhắc vào những nguyên tắc là được.
Mình tỉnh thức lựa chọn cuộc sống như thế này. Mình không từ bỏ gì cả.
Mình chỉ làm cho những công ty có cùng giá trị với hệ giá trị của mình.
Ngay từ khi bước chân vào nghề, mình đã lựa chọn những thương hiệu mà mình làm việc cùng. Những chỗ mình làm họ đều mang lại những giá trị tốt đẹp: Hướng con người đến chân – thiện – mỹ; thân thiện với động vật, thân thiện với môi trường sống và với con người;…
Có lẽ đó là lý do cơ bản mà đến giờ mình vẫn không làm cho agency. Mình thấy suy nghĩ trên của mình còn khá lạ lùng đối với mọi người. Vì đối với các bạn, agency là một môi trường tốt để phát triển sáng tạo, có nhiều cơ hội nghề nghiệp và nhiều mảng thú vị khác. Một lần, trong một hội thảo, khi được hỏi về lý do vì sao làm cho brand mà không làm agency, mình đã trả lời như mình đã viết ở trên. Và mình cảm nhận được là mọi người cảm thấy mình như … động vật sắp tuyệt chủng. *cười* Mình có tư duy khá mở. Nên nếu một ngày có agency nào đó đạt được giá trị mình nêu ra ở trên, có thể mình sẽ nộp đơn. ?
Vì là người tu tập, mình hiểu rằng khi tạo ra sản phẩm không đúng với giá trị bên trong sẽ phát sinh mâu thuẫn nội tâm. Và dòng chảy năng lượng sẽ hình thành trạng thái giằng xé, tắc nghẽn về lâu dài không tốt cho sự phát triển bản thân và không tốt cho công ty.
Những bạn khác vẫn có thể làm những chuyện đó bình thường, không bị ảnh hưởng hay tắc nghẽn vì họ có giá trị sống khác mình hoặc đơn giản là họ không định hình rõ giá trị của họ như mình đã định hình giá trị của mình. Nên họ vẫn thăng hoa trong nghề nghiệp họ làm mà chẳng cảm thấy mệt mỏi, hay căng thẳng.
Bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc và thăng hoa trong công việc bạn làm mỗi ngày dù việc đó là những việc hoành tráng cao cả như xây một công trình, cứu một mạng người hay chỉ đơn giản là quét lá ngoài đường. Chỉ cần việc bạn đang làm giúp bạn sống đúng với những gì bạn tin tưởng, bạn hiểu lý do bạn đang làm là gì. Bạn cảm thấy mình đang làm việc có ích và đang cùng với team của mình tạo ra giá trị lớn hơn chính bản thân bạn.
Mình chỉ làm nội dung tích cực.
Nội dung tích cực nó khác với nội dung hạnh phúc, bình yên. Cuộc sống là tập hợp những trải nghiệm có tốt có xấu, có vui vẻ có đau buồn. Nhưng chất lượng cuộc sống nằm ở chỗ bạn chọn lựa nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hay tiêu cực.
Mình không tạo ra những sản phẩm khiến cho con người mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người; không châm thêm lửa cho những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội; không làm những nội dung giật gân, gây sốc;…
Mình biết con người bị hấp dẫn bởi những điều tiêu cực đó bởi bản năng sinh tồn. Nhưng ở ngoài kia đã có quá nhiều người làm nội dung như vậy. Họ kiếm tiền dựa trên sự bất an của đồng loại. Hoặc chỉ đơn giản là họ viết những thứ mà người ta muốn đọc.
Nhưng sự thật đôi khi chẳng dễ chịu. Một đám đông đồng tình không biến một điều gì đó thành sự thật.
Như mình đã chia sẻ ở trên, viết là một cách để mình bộc lộ bản thân. Mình sống như thế nào, mình có những suy nghĩ gì đều được thể hiện chân thực qua câu chữ mình viết. Vì vậy, cũng tự nhiên như bản chất, nội dung mình viết sẽ luôn mang màu tích cực. Mình có thể đau, nhưng mình không yếu đuối. Mình có thể buồn, nhưng mình không tiêu cực.
Có lẽ vì vậy, những độc giả của mình sẽ không bảo là mình viết hay quá, giỏi quá (phần kỹ năng nghề nghiệp) mà thường sẽ chia sẻ là: Đọc những bài viết của mình như được sạc năng lượng lại. Đối với mình đó là lời khen tuyệt vời nhất trên đời.
Chỉ có điều bạn nên hiểu là không có gì là tuyệt đối và vĩnh viễn. Nếu có một ngày năng lượng của mình đi xuống đến mức tiêu cực, mình sẽ tạm lui về ở ẩn và hạn chế tiếp tục làm nội dung. Con hổ khi đau phải lui về hang liếm vết thương của mình.
Những gì bạn tạo ra để lại dấu ấn bên trong.
Theo luật nhân quả, bạn sẽ nhận được kết quả từ những gì bạn làm. Tất nhiên, luật nhân quả chỉ đơn giản có nghĩa là mỗi một khởi đầu của ý định hay hành động sẽ đem đến một kết quả nhất định. Hành động không mất đi vào hư không. Có hành động thì phải có kết quả. Nhân quả không phải là sự trừng phạt nặng nề như các tôn giáo thường đề cập. Vì mình thiền tập, mình ý thức được là mỗi việc mình làm đều cần hướng thiện để mình nhận được những điều tốt lành.
Tất cả mọi hành động, phản ứng trong tâm bạn đều để lại một dấu ấn bên trong. Và dấu ấn này quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.
Nếu bạn nhìn thấy mình nói dối với một ai đó, bên trong bạn có dấu ấn của sự giả dối. Không sớm thì muộn, hạt mầm giả dối sẽ nảy sinh ở thực tại gây ra những vấn đề về sự không trung thực ảnh hưởng trực tiếp đến bạn.
Một hạt mầm nhỏ sẽ phát triển thành cái cây rất to. Có thể bạn chỉ nói một lời nói dối vô hại, nhưng hậu quả bạn nhận được lại lớn hơn rất nhiều. Tất nhiên, kết quả này không phải là sự trừng phạt. Nó chỉ đơn giản là bài học nhắc nhở bạn cần sửa đổi. Bạn có thể tìm hiểu thêm về dấu ấn tâm thức và nhân quả trong cuốn sách Năng đoạn kim cương.
Life is an echo. What you send out, comes back. What you sow, you reap. What you give, you get. What you see in others, exists in you. Remember, life is an echo. It always gets back to you. So give goodness.
Đặc biệt là đối với những người ý thức về nhân quả như mình, nếu mình gieo nhân xấu hậu quả sẽ còn tệ hơn những người không biết điều đó.
Và ngược lại, bạn hoàn toàn có thể dùng việc sáng tạo nội dung, hoặc bất kỳ sản phẩm nào bạn đang làm để gieo những hạt mầm tốt lành. Mình thường viết blog chia sẻ cách chữa lành và lối sống hạnh phúc vui vẻ nên sức khỏe tâm lý của mình chỉ có tốt và tốt hơn.
Hãy luôn ý thức được rằng việc bạn làm sẽ ảnh hưởng đến bạn trước tiên và rõ ràng nhất. Sau đó mới là ảnh hưởng đến kẻ khác.
Việc làm nội dung là cách để mình giao tiếp với thế giới.
Thực ra, mình đã luôn có thể chọn tu thân trong im lặng, chẳng cần phải chia sẻ cho nhiều người ngoài kia. Nhưng một phần quan trọng trên hành trình phát triển bản thân chính là thể hiện con người thật của bạn ra với thế giới.
Việc nói ra, viết ra, thể hiện ra trước hết chính là sự công nhận của bạn về chính con người thật của mình, nỗi đau của mình, sự trăn trở mà bạn luôn mang. Ngày nào bạn còn ẩn mình đâu đó, ngày đó bạn còn phán xét và chưa chấp nhận mình. Đôi khi dũng cảm thực sự không phải là bước ra giữa chợ Bến Thành và … cởi hết quần áo. Dũng cảm là bạn thể hiện chính tâm hồn bên trong mình mà không sợ người khác dùng thông tin đó chống lại bạn.
Hạnh phúc là khi ta được sống một cuộc đời…. của mình!
Việc thể hiện cá nhân sẽ quyết định sự thành công của bạn. Bởi vì bạn chính là thế mạnh cạnh tranh không ai bằng của bạn cơ mà.
Những người sáng tạo nội dung là những kẻ đi… gieo ý tưởng.
Đặc biệt là đối với những người làm nội dung, dù ý thức hay không ý thức được, những người đọc người xem nội dung của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng và năng lượng của bạn. Sự ảnh hưởng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào trạng thái tâm của bạn trong quá trình bạn tạo ra nội dung.
Đó là lý do vì sao đọc một vài nội dung bạn sẽ cảm thấy yêu đời và thêm tin vào cuộc sống. Một số nội dung khác dù về mặt câu chữ cũng nói về những điều tương tự nhưng bạn lại cảm thấy mệt mỏi và mất niềm tin. Hãy hiểu rằng có một trạng thái tâm đã quyết định năng lượng này ngay từ trước khi nội dung được hoàn thành. Trạng thái này gọi là ý định (intention) của người tạo ra nội dung đó. Họ có mục đích gì? Họ làm nó vì giúp người xem hay vì lợi ích của ai khác?
Ý thức được điều này, khi bạn đang làm một nội dung nào đó, hãy dừng lại quan sát tâm thức của mình đang cảm thấy như thế nào: Bạn đang xuôi theo dòng chảy tự nhiên hay bạn đang tắc nghẽn? Bạn đang cố gắng viết cho tích cực khi bạn có nhiều suy nghĩ tiêu cực? Bạn có đang cố viết lời hay sáo rỗng để vừa lòng sếp trong khi bạn ghét nó?
Ở trên, mình có viết là mình sẽ lui về chữa lành cho bản thân trước nếu như mình đang ở trong trạng thái không tốt trong lúc viết. Đương nhiên, mình có thể viết bằng sự chuyên nghiệp của bản thân. Nhưng về mặt năng lượng, sản phẩm đưa ra sẽ không tốt. Liệu mình có hài lòng với nó không?
Là người cầm bút, bạn phải có trách nhiệm với câu chữ của mình.
– Tiên Alien
Quay lại với bài Bạn có quyền lựa chọn!, ở vị trí làm độc giả bạn cũng cần tỉnh thức lựa những gì bạn đang tiếp xúc vì chính bạn bị ảnh hưởng năng lượng chủ quan của người viết.
Có nhiều nghề có tầm ảnh hưởng một lúc lên rất nhiều người khác. Ví dụ: giáo viên, người diễn thuyết trước công chúng, ca sĩ, diễn viên,… Thời gian gần đây, khi Key Opinion Leader (KOLs) và Influencers trở thành nghề thì họ cũng có quyền lực tương tự. Tiếp đến nữa, là những người đang làm nội dung (Content Creator), Marketer, Designer,… vì những sản phẩm của họ ảnh hưởng lớn hoặc nhỏ có ý thức hoặc trong vô thức tới rất nhiều người tiêu thụ nội dung ngoài kia.
Mình không nói đến những ảnh hưởng rõ rệt như những người có nhiều fan và follower trên mạng xã hội vì ảnh hưởng đó là quá hiển nhiên. Nhưng phần lớn còn lại trong bộ máy này cũng có trách nhiệm trong việc ảnh hưởng lên tư duy của người xem.
Quá trình ảnh hưởng này không diễn ra trong thời gian ngắn. Nó cũng giống như việc gieo trồng. Bạn gieo một ý tưởng vào đầu một ai đó bằng cách nêu lên một khái niệm mới. Sau đó, kiên trì và bền bỉ, bạn tưới nước cho hạt mầm ý tưởng đó qua tất cả các phương tiện mà người xem tiếp xúc, từ rõ ràng như một bài đăng trên Facebook, đến đơn giản là một chiếc Instagram story người ta lướt qua trong 3 giây, từ chính hành vi của bạn khi gặp họ ngoài đời cho đến 1 giây trong video. Đến một ngày nào đó, đủ lượng sẽ sinh chất, người xem sẽ quyết định thực hiện hành vi.
Đoạn mình viết ở trên nghe có vẻ trừu tượng tâm linh, nhưng những ai học Marketing đều hiểu rõ quy trình này. Đây chỉ đơn giản là AIDA Model trong Marketing.
Đừng coi thường một hạt nhân ý tưởng, vì bạn chẳng biết nó sẽ gây ảnh hưởng lớn thế nào. Sự tiêu cực bạn “xả rác” trên mạng có thể làm vơi đi thêm một chút niềm tin của ai đó vào cuộc sống. Sự hạnh phúc bạn lan tỏa có thể giúp ai đó cảm thấy bình yên.
An idea is like a virus. Resilient. Highly contagious. The smallest seed of an idea can grow. It can grow to define…or destroy you.
– Inception
Ý thức được điều này, bất kỳ thông tin nào bạn đưa ra trên bất kỳ phương tiện nào cũng cần được suy xét thận trọng. Tầm ảnh hưởng của bạn càng lớn, tác động của nội dung bạn làm ra càng lớn lên chính bạn và lên người khác.
Dù mình có rất nhiều “nguyên tắc” làm nghề, nhưng mình chưa bao giờ gặp khó khăn khi sống như vậy cả vì chuyện phát triển trong nghề đi đôi với sự phát triển bản thân.
Mình mong là dù bạn làm nghề gì, bạn cũng sẽ làm nó một cách chân chính và chân thành.
Tiên Alien.
Trả lời