Mình học lớp Leadership vào mùa hè năm ngoái, đến nay đã tròn một năm. Có thể mình chẳng còn nhớ nổi những chi tiết vụn vặt trong khóa học. Nhưng chắc chắn là những điều mình còn nhớ, những điều đã được xếp vào hành trang cá nhân là những bài học hữu ích và có tính ứng dụng.
Phải nói thêm một điều là trong suốt quãng đời sinh viên, đối với mình khóa học mang lại nhiều giá trị nhất chính là lớp Leadership ngắn ngủi trong học kỳ hè năm 3.
Giá trị khóa học nằm ở việc thay đổi tư duy.
Kiến thức lý thuyết luôn ở ngoài kia. Nhưng hiếm hoi mới có một người thầy có tầm nhìn và cách tiếp cận khác biệt, dạy bạn không chỉ là lý thuyết nền tảng mà còn cách để làm người. Lý thuyết bạn có thể đọc sách mà biết. Nhưng thái độ và kinh nghiệm sống đúng đắn đôi khi bạn phải va vấp rất nhiều ngoài kia để học được.
Một khóa học đối với mình là thành công khi qua đó bạn mở mang được tư duy, cách nhìn cuộc sống, thay đổi thái độ và hành vi dù là nhỏ nhặt nhất để trở thành phiên bản tốt hơn.
Mình vừa là thầy vừa là trò. Khi làm trò mình hứa sẽ chăm chỉ!
Mình tự thấy bản thân nhỏ bé. Còn rất nhiều điều mình cần học hỏi thêm. Mình có khả năng tự học rất tốt. Suốt thời sinh viên mình chưa bao giờ phải nhờ ai làm TA (Tutor Assistant). Ngay cả sau này đi làm, mình vẫn tự dạy mình là chính.
Nhưng mà đôi lúc, tự dạy mình giống như là cầm đèn đi trong bóng đêm. Mình phải tự thử, sai và làm lại. Tự học thì cũng được thôi. Nhưng mà có một người thầy, một mentor (người hướng dẫn), trainer (người dạy về kỹ năng),… sẽ tiết kiệm cho bạn thật nhiều thời gian và công sức.
Mình chỉ sợ mình không được dạy bảo. Chứ nếu xuất hiện một người thầy, mình nhất định sẽ học đàng hoàng. Mình sẵn sàng để lắng nghe, thay đổi và dấn thân.
Có lẽ vì mình là một tâm hồn già dặn, nên mình cũng là một học trò hơi “đòi hỏi”. Không phải ai mình cũng tôn trọng và đề cao thành thầy. Thường thì những người sẽ thuyết phục được mình rằng họ xứng đáng với vị trí và vai trò đó là những người có tầm nhìn lớn, có sự tỉnh thức nhất định và có cái tâm sáng. Mối quan hệ thầy và trò cũng là giống mối quan hệ leader và follower: Đó là quan hệ bình đẳng. Không có trò sao người thầy được làm thầy chứ?
Một chút về giảng viên của khóa học
Linh hồn của khóa học chắc chắn là người đứng lớp. Một khóa học hay hay dở nằm ở khả năng cầm trịch của “người lái đò”.
Giảng viên Leadership của trường mình thời điểm đó chỉ có mỗi thầy Trần Chí Cường. Thầy đã ngoài 60 tuổi nhưng nhìn trẻ trung, phong độ và khỏe mạnh. Tiếng thầy rất lớn và vang. Khi giảng thầy chẳng cần cầm micro. Thầy đi bộ rất nhanh. Có lần mình gặp thầy trong sân bay. Mình định bước đến chào mà thầy đi nhanh quá một con bé 20 tuổi như mình chạy không lại! :))
Thầy làm CEO của nhiều công ty lớn. Việc đi dạy ở trường Đại học chỉ là vì… thầy thích thế thôi. Thầy mong muốn mọi người có thái độ và cách tiếp cận đúng đắn về lãnh đạo trong doanh nghiệp nói riêng và về sự nghiệp sau này nói chung. Giáo dục thế hệ trẻ là một cách giúp thầy đạt được mục đích đó.
Dù làm nghề phụ nhưng thầy là giảng viên có tâm nhất mình từng gặp. Khi mà trường mình đợi nhiều mùa (quýt) mới có điểm trên hệ thống thì thầy chọn cập nhật điểm số và gửi bài chấm cho từng sinh viên. Thầy quan niệm rằng điểm số không quan trọng. Quan trọng là qua bài thi đó, bạn học được cái gì. Vì vậy, bài kiểm tra đối với mình không còn là bài kiểm tra kiến thức, trả bài cho giáo viên, mà là một quá trình học hỏi.
Thầy là một người leader gương mẫu. Bạn sẽ không bao giờ thấy thầy xuất hiện cùng một chiếc điện thoại di động. Và thầy cũng yêu cầu sinh viên điều đó trong lớp của mình.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt
Đọc tựa đề Leadership và background của giảng viên chắc bạn kỳ vọng là mình học được gì đó to lớn và vĩ mô. Nhưng thật tiếc, đó không phải trọng tâm của bài viết.
Mình luôn có một niềm tin rằng những thói quen nhỏ mới mang tính quyết định chất lượng cuộc sống. Có quá nhiều khóa học dạy bạn phải làm to, chẳng mấy ai bảo bạn chú ý đến tiểu tiết. Sự nghiệp dài hạn chẳng phải là tập hợp của những lựa chọn ngắn hạn mỗi ngày hay sao?
Đúng giờ
Dù bạn là ai, đúng giờ không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn mà còn cho người đối diện thấy rằng bạn tôn trọng họ và cuộc hẹn với họ.
Đây là lý thuyết vô cùng căn bản, nhưng trong xã hội Việt Nam, thật khó để làm được.
Thầy có một nguyên tắc rất rõ ràng: 1 giờ chiều là giờ bắt đầu học, nếu bạn đến đúng 1 giờ đã là trễ. Thầy sẽ để bảng điểm danh ở bàn đầu. Chỉ những bạn đến trước 12 giờ 59 phút 59 giây được ký tên. Nếu bạn đi trễ cũng đồng nghĩa là vắng một buổi học đó.
Mục tiêu của thầy là không cần biết trong suốt khóa có bao nhiêu bạn đi trễ, tần suất đi trễ như thế nào, chỉ cần làm được một điều là ngày học cuối cùng 100% lớp đi đúng giờ. Và thầy đã làm được điều đó bằng cách đặt thêm một luật nữa: Ngày cuối bạn đi trễ thì cả nhóm của bạn sẽ không được thuyết trình dự án. Cả dự án đó sẽ 0 điểm.
Nghe có vẻ khắt khe, nhưng mình thấy không quá đáng chút nào. Luật đặt ra là sự đồng thuận của cả thầy lẫn trò. Thầy đã thông báo ngay từ ngày đầu tiên. Bạn có quyền lựa chọn học tiếp hoặc drop (nghỉ) môn.
Và đôi khi kỷ luật là điều cần để thiết lập một hành vi. Từ hành vi sẽ hình thành thói quen.
Những người thành đạt ngoài kia chỉ khác người thường ở chỗ họ có kỷ luật với bản thân. Con người biết nhiều lý thuyết để thành công nhưng chẳng mấy ai làm được, nếu làm được cũng chẳng kiên trì với nó.
Your beliefs become your thoughts,
Your thoughts become your words,
Your words become your actions,
Your actions become your habits,
Your habits become your values,
Your values become your destiny.– Gandhi
Quay lại với chuyện đúng giờ, có một sự thật rằng bạn luôn luôn có thể đúng giờ nếu bạn muốn. Đặc biệt trong công việc, lý do là điều vô nghĩa. Kết quả mới nói lên tất cả. Bạn đi trễ vì lý do gì không cần biết. Có một điều rõ ràng là bạn đã không đúng giờ.
Đi đúng giờ đem lại cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến hơn bạn tưởng. Và những người đến sớm luôn thảnh thơi có thời gian chuẩn bị tốt hơn so với những người đến sát giờ.
Đương nhiên là nguyên tắc này không nên áp dụng một cách quá máy móc, khắt khe đến mức bỏ qua mối quan hệ giữa người với người. Nhưng thời gian là vàng bạc. Bạn tôn trọng thời gian của người khác thì người khác sẽ tôn trọng và thích làm việc với bạn.
Nhiều lúc người ta đi trễ vì… cả xã hội vận hành như thế. Nhưng theo Critical Thinking thì suy nghĩ này chẳng hợp lý chút nào. Người khác đi trễ là chuyện của họ, lựa chọn đến đúng giờ là việc cá nhân. Tương tự, bạn không thể sống không có đạo đức chỉ vì những người xung quanh chọn ác với bạn.
Mình tự thấy mình là người coi trọng giờ giấc. Nếu bạn là bạn của mình bạn sẽ thấy rất hiếm khi mình trễ giờ. Trước đây, mình là người luôn phải dành rất nhiều thời gian để chờ đợi người khác. Nhưng mình đã quyết định lập một nguyên tắc cá nhân để bảo tồn quỹ thời gian của mình đó là: mình sẽ rời khỏi chỗ hẹn nếu người ta đến trễ một khoảng thời gian tùy theo mức độ quan trọng của cuộc hẹn và người hẹn.
Đôi khi kiên nhẫn không phải là thương yêu. Thương yêu chính là sự răn đe để họ sửa mình.
Hiện diện (Be present)
Bên cạnh việc đúng giờ, bạn cần hiện diện tại đây và bây giờ để thể hiện sự tôn trọng người đối diện. Đây (lại) là một nguyên tắc cơ bản nhưng chúng ta thường không làm được vì thói quen làm nhiều việc cùng lúc, nghe để đối đáp chứ không thực sự lắng nghe,…
Như đã viết ở trên, thầy đặt ra nguyên tắc là không sử dụng điện thoại trong lớp và thầy là hình mẫu xuất sắc nhất cho lựa chọn đó. Việc không đụng đến điện thoại còn giúp bạn xây dựng thần thái (phong độ) cá nhân.
Bạn có bao giờ để ý thấy một người bước vào phòng và lập tức trở thành tâm điểm? Có điều gì đó rất “hút” ở họ. Có một năng lượng toát ra giúp họ nổi bật. Chúng ta thường gọi là thần thái. Thần thái sẽ có được qua nhiều năm tập luyện. Và bước đầu của quá trình tập luyện này là làm duy nhất một việc vào một khoảng thời gian. Nếu bạn vừa bước đi vừa bấm điện thoại bạn khó mà đạt được “trạng thái” này.
Như một người mẫu trên sàn diễn, năng lượng của bạn phải tập trung vào từng bước đi. Đặt điện thoại sang một bên sẽ mở ra cho bạn nhiều góc nhìn khác thú vị hơn nhiều!
Một hành vi nhỏ khác của hiện diện là lắng nghe khi bạn khác thuyết trình. Thầy đặt ra nguyên tắc là bạn không được mở cửa ra vào lớp khi ở trên bục có sinh viên đang thuyết trình. Thầy bảo nếu thầy đang nói thì không sao vì giọng thầy to và dõng dạc. Nhưng nếu đi vào ở giữa bài thuyết trình của bạn khác, người nghe sẽ dễ mất tập trung. Có những phép lịch sự tối thiểu mà không được chỉ bảo quả thật mình không biết.
Where are you? Here.
What time is it? Now.
What are you? This moment.– Dan Millman
Nếu thực sự hiểu một khái niệm nào đó, bạn phải giải thích được cho một đứa trẻ con hiểu.
Nhiều cuốn sách sử dụng thuật ngữ để “quan trọng hóa” những vấn đề vốn có thể giải thích một cách đơn giản. Chúng ta biết càng nhiều không phải để người khác ngưỡng mộ mà để có thể ứng dụng kiến thức vào đời sống.
Bạn chỉ thực sự hiểu một việc gì đó khi bạn có khả năng diễn giải cho một đứa trẻ 8 tuổi.
Nói là làm, thầy đưa hẳn câu giải thích khái niệm lãnh đạo cho một đứa trẻ vào đề thi. Bình thường bạn làm leader nhóm một cách bản năng, hoặc đi học nhiều khóa học uy tín. Nhưng để giải thích cho trẻ con hiểu, chắc chắn ít nhiều bạn sẽ lúng túng.
Mình thấy có nhiều bậc làm cha mẹ “bó tay” trước nhiều câu hỏi tò mò của con trẻ. Họ thường trả lời cho qua chuyện vì họ nghĩ chuyện đó cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Nhưng trẻ con cần có câu trả lời rõ ràng, rành mạch để phát triển tư duy và tiếp tục được khuyến khích học hỏi. Trả lời cho con hiểu thì khó thật, nhưng là điều cần cho cả bố mẹ lẫn con.
Đề thi của tụi mình là một tờ giấy mà câu trả lời được giới hạn trong khung. Nếu viết câu trả lời dài ra khỏi khung, bạn sẽ bị trừ điểm (hoặc không tính điểm câu đó, mình quên rồi). Điều này tập cho bạn diễn đạt ý muốn nói trong những câu ngắn gọn, súc tích, đủ ý nhất có thể. Viết dài, viết dai, viết nhảm chẳng phải vừa tốn thời gian của người viết lẫn người đọc hay sao?
Tư duy này theo mình vào nghề viết sau này. Câu chữ của mình không hoa mĩ hay sáo rỗng. Mình chỉ tập diễn đạt ý tưởng sao cho trôi chảy, đơn giản, dễ hiểu nhất. Nếu câu chữ của mình quá xa lạ thì làm sao có thể chạm đến người đọc?
Wisdom is the Use of knowledge.
– Dan Millman
Mình còn học được nhiều thứ thú vị khác. Nhưng bài viết này đã dài nên rất có thể phải có thêm phần 2. ?
Bạn muốn lãnh đạo người khác, trước tiên phải là nhà lãnh đạo bản thân trước đã.
Tiên Alien
Tran Chi Cuong says
First, i apologize for writing in English. I am terrible with Vietnamese and i would not be able to express my thoughts.
One of my team mate just found your 2 articles on the Leadership Course and forwarded to me. It seems you captured all the main points i tried to share with my students. The fact that you can recount these points are amazing. I have never seen anyone wrote about the Leadership this well. Thank you for summarizing the essence of it.
i wish you peace and happiness. Keep in touch.
Tiên Trần says
It was my pleasure to see your comment on my article. I am glad that you love it. It is like a confirmation for me that I am on a right track. Actually I put the two articles into my latest book. And I would love to send you a copy as a gift, if you don’t mind. Please send me your phone number and your address via my E-mail tientranalien@gmail.com. I am looking forward to hearing from you. Thank you.