Mình biết là có rất nhiều bạn nam cảm thấy bối rối trước câu trả lời “Ăn gì cũng được” của bạn gái mình. Thậm chí họ còn cho rằng đó là biểu hiện thiếu chính kiến, bánh bèo, không biết mình muốn gì, nhưng khi bạn nam đưa ra tên món ăn thì bạn nữ lại không chịu, kiểu “Gì cũng được nhưng phải đúng ý em”, dù em không nói ý em là gì.
Mình thấy cả nam và nữ trong tình huống trên đều vô thức không rõ điều gì đang vận hành trong mối quan hệ của họ. Họ chỉ làm điều mình muốn, thiếu thấu hiểu cho đối phương, mà cũng không biết tại sao mình lại hành xử như vậy.
Mình thích đàn ông chủ động chọn chỗ, chủ động gọi món mà không cần hỏi ý kiến mình. Tuy nhiên, họ cần có một số ý tưởng nhất định về việc mình thích và không thích điều gì, để lựa chọn của họ không quá đi xa so với điều mang lại cho mình sự thoải mái. Ví dụ, mình có thể đi đâu cũng được nhưng mà dẫn mình vào những câu lạc bộ xập xình và ồn ào thì mình không thực sự thoải mái. Mình có thể đi một lần, nhưng không có lần hai.
Nhưng mà các anh không cần phải lo lắng trong chuyện lựa chọn đi quá xa, vì thứ nhất, họ có thể đề xuất những lựa chọn để mình chọn, thứ hai nếu mà mình không thoải mái/không thích mình sẽ từ chối, không làm. Với lại họ cũng không cần quá lo lắng về chuyện mình không bao giờ chủ động. Nếu có món gì mình cực kỳ thích ăn, chỗ nào mình cực kỳ thích đi, mình sẽ đề xuất ngay từ đầu. Còn nếu không, xin mời anh chọn.
Đàn ông chủ động là đàn ông đang thể hiện được khía cạnh nam tính của mình. Mình không muốn gây hiểu lầm bằng chuyện phân biệt đàn ông phải làm thế này, hay đàn bà phải làm thế kia mới là “đúng chuẩn”. Mình chỉ đang nói về điều mình thích được đối xử, ở thời điểm hiện tại. Mình không vận hành cuộc sống dựa trên nguyên tắc “làm đàn ông thì phải thế”, vì mình cũng thấy nội chuyện làm đàn ông thôi đã quá áp lực rồi.
Nhưng mình vận hành mọi mối quan hệ trong đời bằng năng lượng âm và dương. Trong mỗi chúng ta đều có khía cạnh âm và dương. Trong mỗi mối quan hệ, kể cả quan hệ bạn bè, với sếp, với đồng nghiệp, với công việc,… đều luôn có một đối tượng đang dương trội hơn, và đối tượng còn lại thể hiện ra phần âm hơn. Ai đóng vai trò âm thì lúc khác cũng có thể dương, và ngược lại. Âm dương luân chuyển luân phiên giữ cho mối quan hệ đó được duy trì trạng thái hài hòa.
Quên nói, năng lượng dương được biểu hiện ra ngoài thông qua hành động, sự chủ động, ra quyết định, có tính định hướng, giải quyết vấn đề. Còn năng lượng âm là bất động, hấp thụ, bị động, chấp nhận, cho phép mọi thứ diễn ra mà không can thiệp. Hãy để ý trong mọi mối quan hệ, mọi lúc, đang có ai đó đang âm và người còn lại dương. Ví dụ, khi mình đi xe ôm công nghệ, chú tài xế đang lái xe đang dương và mình ngồi sau xe là âm. Nhưng nếu mình tham gia vào chuyện lái xe của chú, bảo rằng chú đi đường này xa quá, chú phải đi đường khác theo ý mình, là mình đang dương, chú âm. Mối quan hệ mà cả hai cùng dương sẽ đối kháng với nhau, còn cả hai cùng âm thì sẽ tách nhau ra (vì không ai nuôi dưỡng cái chung mà lui về ưu tiên bản thân mình).
Quay lại với chuyện tại sao mình thích đàn ông chủ động, vì trong công việc, trong đời sống cá nhân (lúc một mình), trong các mối quan hệ bạn bè,… mình đều thể hiện ra phần dương của mình. Nghĩa là, mình cũng mệt vì làm đàn ông rồi, nên mình cần có môi trường để được “xả vai”, được thở dài, được làm đàn bà. Mình muốn đi cùng người đàn ông hiểu mình, đủ tin tưởng đến nỗi mình không cần mang ví hay mang não. Dù thực tế là người được làm đàn ông, được dẫn dắt, trong mối quan hệ với mình, rất hiếm. Ai không đủ bản lĩnh để handle mình thì không được cho phép để chăm sóc mình đâu. Vì mình không thích “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.” Chán lắm. =))
Theo mình quan sát thì trên đời có 3 kiểu đàn ông cơ bản: Kiểu thứ nhất muốn mình gọi món mình thích, dù mình có educate mãi họ cũng không hiểu thứ mình thích chính là họ gọi. Chơi với đàn ông kiểu này thì giống chơi với bạn nữ vậy, tôi lại phải làm đàn ông. Kiểu thứ hai ban đầu hỏi mình thích ăn gì, nhưng mình chỉ cần nói một lần “Em thích đàn ông gọi món.” họ sẽ tiếp thu ngay và lập tức thay đổi hành vi, trở thành người dẫn dắt. Kiểu thứ ba là kiểu gọi món, chọn chỗ không cần phải hỏi. Có lần mình tới quán, bạn đã gọi cả một bàn đồ ăn, có món ăn chay, chờ mình. Kiểu này thì mình ấn tượng, vì ít ai chủ động nhưng lại còn thật là đúng ý.
Khi đàn ông gọi món, họ đã phải suy nghĩ “Tiên thích ăn gì nhỉ? Món gì sẽ hợp với không khí hôm nay?”, họ phải tính toán nhiều yếu tố khác để tạo nên một buổi hẹn hoàn hảo. Và đối với mình, quá trình đó xây dựng cho họ cảm giác yêu thương, trân trọng mình và mối quan hệ chung. Quá trình đó còn giúp họ quán chiếu xem họ có hiểu mình như họ tưởng hay không, điều gì họ còn không biết, họ cần tìm hiểu thêm về mình chỗ nào,… Những chuyện tinh tế như vậy đàn bà vốn đã cảm nhận được mà không cần đến quá trình chủ động. Còn đàn ông thì chúng ta cần cho họ một môi trường, một hoàn cảnh để thực hành.
Bạn đừng đọc bài này bằng tâm trí nhị nguyên, nghĩ rằng mình luôn như thế, hay bạn đã hiểu mình rồi. Bản lĩnh của người đàn ông, hay năng lượng của họ không thể được che giấu, hay giả vờ chỉ đơn giản bằng chuyện cố gắng tập gọi món. Chủ động chỉ là biểu hiện bề mặt thôi.
Dù mình biết nhiều người hành đạo sẽ ưa trong suốt, phi nhị nguyên, không cần phân cực âm và dương. Nhưng mình đã từng từ bỏ nhị nguyên nhiều đến nỗi mình nhận ra rằng mình sinh ra trong hình hài là nữ có lý do của nó. Mình mong bạn đọc bài này với tâm trí cởi mở. Vì thực lòng mình cũng cởi mở với mọi khả năng. Mình không có ý là đàn ông để mình chọn điều mình thích là sai, là không được. Lắm khi mình cũng thích được chọn mà.
Với lại, người đàn ông mà thích được âm cũng không có gì sai hay có vấn đề cả. Họ chỉ cần tìm cho mình một người bạn đồng hành (dù nam hay nữ) thích được dương, chủ động nhiều hơn mà thôi. Chứ hai đứa năng lượng âm chơi với nhau là toang đó. =))
Chỉ là giống như trà sữa vậy, thiếu đi người đàn ông chủ động thì mình không đói. Nếu người đàn ông không chủ động, mình hoàn toàn có thể tự chăm sóc rất tốt cho mình. Nhưng mà mình ưa chuộng đàn ông chủ động, vì mình có thể, có lựa chọn đó. Nên tại sao không?
Tiên Alien
Trả lời