Mình không phải fan Hàn Quốc, một năm chỉ coi được 1 – 2 bộ phim Hàn. Nên bài viết này chỉ là những gì mình kịp tìm hiểu, trải nghiệm trong thời gian ngắn chuẩn bị và đi Hàn Quốc, đặc biệt là Seoul. Mình vừa kịp yêu thích đất nước này trước chuyến đi và còn thích hơn sau những điều mình được trải nghiệm.
Hàn Quốc nằm ở múi giờ thứ 9, cách Sài Gòn 5 giờ bay thẳng. Ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng ở Hàn là Tiếng Hàn và Tiếng Anh (không phải người bản địa nào cũng biết tiếng Anh, tuy nhiên ở tất cả mọi nơi, nhất là ga tàu điện, xe buýt luôn có phiên âm tiếng La tinh và chỉ dẫn Tiếng Anh đầy đủ cho người ngoại quốc). Hàn Quốc thuộc ôn đới, có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa cao điểm du lịch Hàn Quốc là mùa xuân hoa anh đào nở tầm tháng 3, 4 hoặc mùa thu lá đỏ tầm tháng 10, 11. Tháng 8 mình đi rơi vào mùa hè nên thời tiết khá nóng (khoảng trên dưới 30 độ C), tuy nhiên không ẩm và khó chịu như những nước nhiệt đới. Khoảng thời gian này, ngày dài đêm ngắn, 7- 8 giờ tối trời vẫn sáng trưng. Điều này vô tình “đánh lạc hướng” dân du lịch như mình, mình tưởng trời còn sớm nên đi chơi quên lối về. :))
Hàn Quốc nổi tiếng với nền âm nhạc Kpop vô cùng phát triển và những bộ phim tình cảm. Một trong những lý do mọi người đến Hàn là để xem concert, ngắm thần tượng hoặc tất tần tật những thứ liên quan. Còn mình, một đứa mù tịt Kpop, đến Hàn để học hỏi, để xem người ta có gì, người ta đang làm gì và họ sống như thế nào ở một đất nước phát triển như vậy. Một trong những lý do đáng để đến Hàn là tìm cảm hứng sáng tạo vì Hàn Quốc cũng rất phát triển về mảng thiết kế. Ngoài ra, Seoul còn là một thiên đường mua sắm chẳng kém gì Bangkok. Đối với mình đồ ở Seoul dễ mua hơn (chắc vì style mình thích là elegant), giá cả lại phải chăng (ở một số nơi) chứ không quá đắt đỏ như những thông tin mình đọc trước chuyến đi.
Dân số ở Hàn Quốc tầm 50 triệu người, trong đó 1/5 dân số tập trung ở Seoul. Dân số ở Sài Gòn ít hơn dân ở Seoul tuy nhiên diện tích Sài Gòn hơn Seoul gấp 3.5 lần. Chính vì vậy nên tỉ lệ cạnh tranh ở Hàn, đặc biệt là ở Seoul vô cùng khốc liệt. Tuy vậy, người Hàn tính rất kỷ luật, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau và vô cùng thân thiện sẵn sàng giúp khách du lịch. An ninh ở Seoul cũng rất tốt, ít trộm cắp, lừa đảo. Đường phố khá sạch sẽ, rác được phân loại từ trong nhà ra đến ngoài đường.
Seoul, theo mình thấy, không hề có một khu nào gọi là “khu trung tâm” vì mỗi quận, mỗi khu đều rất phát triển và sầm uất, mang một màu sắc riêng:
Myeong-dong đông đúc nhộn nhịp với những con đường mua sắm, đồ ăn đường phố tấp nập. Nếu bạn không có nhiều thời gian, chỉ đi Myeong-dong thôi bạn đã có thể tìm thấy tất cả các thương hiệu lớn như Addidas, Uniqlo, The Face shop, Innisfree… xen kẽ với các local brand của Hàn quốc.
Hongdae thì mang hơi thở trẻ hơn, nghệ thuật hơn với những nghệ sĩ đường phố cầm chiếc đàn guitar hát, hoặc những dancer đầy nhiệt huyết.
Jongno-gu nhẹ nhàng, trầm lắng nơi các giá trị truyền thống, văn hoá Hàn Quốc được bảo tồn nguyên vẹn. Trong khi bên ngoài cánh cửa Hoàng cung Gyeongbokgung là những toà nhà trọc trời hiện đại, thì bên trong Cung điện những nghi lễ vẫn đều đặn diễn ra mỗi ngày. Hàn Quốc đã làm rất tốt việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống bên cạnh hơi thở hiện đại. Bên trong các bảo tàng như National Palace Museum of Korea hoặc National Folk Museum of Korea (Bảo tàng Muối) lịch sử Hàn Quốc được giữ gìn nguyên vẹn và truyền đạt đến người xem bằng những công nghệ hiện đại.
Gangnam nổi tiếng với bài Gangnam style, bài hát đã diễn tả chính xác quận này: Được ví như Beverly Hills của Seoul, Gangnam bóng bẩy với những biệt thự, villa và chuỗi các thương hiệu sang chảnh như Gucci, Prada…
Itaewon giống như Phố Tây Bùi Viện là khu “đa quốc gia” với nhiều người nước ngoài, những con đường, quán ăn theo phong cách nhiều nước khác nhau. Ở đó mình bắt gặp “Đường Quy Nhơn- Việt Nam” và những hình vẽ rất Việt Nam nữa.
Dongdaemun những năm gần đây trở thành biểu tượng của Seoul với Seoul Fashion Week là nơi cho ra đời hàng ngàn tấm ảnh outfit của những người yêu thời trang.
Vì Mình là một cô gái đi bộ, điều mình ưng bụng nhất ở Seoul chính là hệ thống giao thông công cộng cực kỳ phát triển và đầy đủ tiện nghi.
Có tới hơn chục line metro và xe buýt hiện đại để bạn đi khắp mọi ngóc ngách trong Seoul một cách dễ dàng. Cả thành phố vô cùng thân thiện với người đi bộ. Lề đường rộng thênh thang. Xe ô tô luôn luôn dừng lại và nhường người đi bộ trước. Xe máy cũng có nhưng ít và thường là xe giao hàng. Người đi bộ đứng chờ để sang đường khi đèn đỏ. Khi đèn xanh mà vẫn còn người đang băng qua đường, không một chiếc xe ô tô nào vội vàng chuyển bánh mà tất cả đều chờ cho người ta đi qua đến đường bên kia.
Mình có thể cảm nhận rất rõ cả thành phố đều tôn trọng nhau để tất cả cùng đi lên. Đặc biệt, Seoul nổi tiếng với nhiều Shopping street mà ở đó người đi bộ làm chủ. Không cấm xe như phố đi bộ Nguyễn Huệ vào thứ bảy, chủ nhật, xe được vào nhưng rất ít.
Dù dân số đông, nhưng Seoul không hề có tình trạng kẹt xe như Bangkok vì phần lớn mọi người sử dụng phương tiện công cộng. Metro hoạt động đến gần 12 giờ đêm. Xe buýt thì tầm 11 giờ. Cả thành phố như không ngủ khi 11-12 giờ đêm xuống ga tàu điện ngầm vẫn còn rất đông người. Cũng chính nhờ đi bộ nhiều như vậy nên người già ở Hàn dáng vẫn thon gọn, đi lại nhanh nhẹn, khoẻ khoắn. Thậm chí, có nhiều quán ăn người phục vụ là người cao tuổi vì họ vẫn còn đủ khả năng và muốn tiếp tục làm việc.
Người Hàn Quốc yêu cái đẹp và có gu thẩm mỹ vô cùng tốt.
Điều đó thể hiện rất rõ qua tất cả những gì bạn thấy ở Seoul: từ những quán cà phê, đến mỹ phẩm, quần áo, thiết kế kiến trúc… Phong cách của họ là thanh lịch, nhã nhặn hoặc đáng yêu (nổi tiếng với Line friend và Kakao).
Điểm giống nhau ở cảm xúc mà Seoul và Đà Lạt mang lại cho mình là cả hai thành phố này đều đẹp như một bức tranh. Dù bạn đi đâu làm gì cũng cảm thấy như mình là nhân vật sống trong bức tranh đó. Mọi ngóc ngách đều đẹp, đứng ở đâu cũng có thể làm ngay một bộ hình sống ảo :)).
Người Hàn chỉn chu trong từng việc họ làm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp mắt và thuận tiện nhất cho khách hàng của họ. Họ tôn thờ cái đẹp đến mức mình cảm tưởng như họ sẽ không ra đường nếu chưa trang điểm, làm tóc, mặc quần áo đẹp. Họ chăm sóc da, chăm sóc cơ thể rất tốt: da mặt bạn nào cũng căng bóng và rất sáng. Điều đó có mối quan hệ thuận nghịch với việc Hàn Quốc nổi tiếng với mỹ phẩm và nhân sâm. Phong cách trang điểm nude, điểm nhấn ở phần mắt và má hồng xinh xắn. Quần áo được các bạn trẻ ưa chuộng có form dáng đơn giản, suôn thẳng, có màu pastel: hồng, màu da,…
Seoul có văn hoá cà phê.
Cũng giống như Sài Gòn, các bạn trẻ thường rủ nhau đi cà phê để hẹn hò, trò chuyện. Dù mỗi quán cà phê là khác nhau nhưng quán cà phê nào cũng đẹp theo một cách vô cùng tinh tế, có tính thẩm mỹ cao và cà phê chất lượng. Những món nổi tiếng của Hàn gồm có Bingsu, Green tea,…
Ẩm thực Hàn Quốc nổi tiếng với nhiều món ăn truyền thống .
Bên cạnh đó, ẩm thực Hàn Quốc cũng nổi tiếng với nhiều món ăn truyền thống như: Bibimbap, Gimbap, Tokbokki, Korean BBQ… Ai là fan của ẩm thực Hàn Quốc thì đến Seoul như là đến thiên đường :)) Người Hàn Quốc ăn nhạt và cay. Người Việt thích đồ ăn chế biến nhiều gia vị mặn mà, đậm đà thì người Hàn chế biến nhạt hơn.
Trên bàn ăn lúc nào cũng có banchan- những món ăn kèm với bữa chính. Người Hàn ăn nhiều banchan còn hơn cả bữa chính. Trong banchan luôn có kimchi, ngoài ra có thể có gừng, giá ngâm, chả cá… Những món ăn này bên cạnh tác dụng để nhâm nhi (cho đỡ buồn miệng trong lúc chờ món chính) thì còn giúp cân bằng gia vị cho bữa ăn ngon hơn.
Những món ăn bổ dưỡng cũng rất được người Hàn Quốc ưa thích như nhân sâm, Ginseng chicken soup (Gà hầm nhân sâm)…
Khi ăn người ta đặt chén cơm ở dưới bàn và dùng đũa để gắp thức ăn. Một trong những nguyên tắc khi đi ăn quán ăn ở Hàn là đi bao nhiêu người thì gọi ít nhất bấy nhiêu phần ăn (trừ những món có thể ăn nhiều người).
Mức sống ở Seoul cao.
Mệnh giá thấp nhất để mua đồ trong siêu thị tầm KRW 1000 (tương đương với hơn 20.000 VND). Có đồng KRW 500 nhưng rất ít khi sử dụng. Seoul phát triển cà phê và dessert về chất lượng nên giá tiền cũng không hề rẻ (rẻ thì tầm KRW 5000- KRW 6000, đắt thì tầm KRW 9000- KRW 10.000). Nhưng tiền nào của nấy, chất lượng đồ uống, dịch vụ, phong cách của quán xứng đáng. Taxi cũng đắt đỏ nên phương tiện được sử dụng nhiều hơn cả là tàu điện và bus. Giá tiền mỗi lần đi tàu điện hoặc bus tầm KRW 1250. Tuỳ quán ăn mà giá cả sẽ khác nhau. Đồ ăn đường phố, nhất là ở Myeong-dong cũng không hề rẻ. Mình hạn chế đổi ra tiền Việt Nam vì so sánh giá cả ở hai đất nước có mức sống khác nhau là không hợp lý. Ví dụ nho nhỏ là sữa chuối ở Hàn Quốc có giá KRW 1000 mình uống mỗi ngày không nghĩ, nhưng về đến Việt Nam cũng hộp sữa đó 17.000 VND mình phải đắn đo mãi mới mua :)). Đến một nước thì mình cũng nên chấp nhận sống như người bản địa, thiệt hại thế nào về nhà tính sau.
Đọc thêm những tip về chuyến đi tại highlight story của mình: @_tientran
Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung đáng để đi và đáng để quay lại. Một ngày nào đó mình sẽ đi Busan, Nami, Jeju và nhất định sẽ quay lại Seoul.
I’m a little soul in big Seoul ❤
Tiên Alien
Trả lời