“Khỏe” có “bình thường” không?
Khi chúng ta khỏe, ta coi đó là trạng thái bình thường của cơ thể, là điều hiển nhiên phải có. Còn bệnh tật là bất thường, cần được loại bỏ đi. Nhưng bản chất việc khỏe mạnh không hề bình thường. Nó là một điều kỳ diệu! Cơ thể là một cỗ máy, được vận hành trơn tru bởi 70 nghìn tỷ tế bào, mà ngay cả khoa học hiện đại còn chưa thể tường tận hết. Cơ thể có khả năng tự chữa lành chính nó một cách trơn tru và thông minh bằng việc lên cơn sốt tăng sức đề kháng, hắt hơi, ho tống dị vật ra ngoài,…
Bạn đi làm vất vả, còn có thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ một chút vào buổi tối. Còn trái tim bạn, và nhiều bộ phận khác hoạt động độc lập với não bộ vẫn tiếp tục làm việc để thải độc, và giữ cơ thể bạn sống. Khi một bộ phận trong chuỗi mắt xích đó có vấn đề, bạn lập tức gặp rắc rối ngay. Vì vậy, trạng thái bình thường của cơ thể là một điều kỳ diệu. Bản thân sự sống là một phép màu!
Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ.
– Thầy Thích Nhất Hạnh
Sức khỏe không phải điều hiển nhiên nên ta càng phải trân trọng.
Mỗi sáng thức dậy ta cảm ơn vì ta có thêm một ngày để sống, để tiếp tục sửa những điều ta làm sai, có cơ hội ở bên cạnh những người thương yêu và góp thêm một phần nhỏ bé trả lại cho đời những điều tuyệt vời ta nhận được.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, ta cảm ơn cơ thể đã khỏe mạnh để ta làm việc, học tập, làm những gì mà ta muốn làm trong ngày. 70 nghìn tỷ tế bào, 70 nghìn rung động và tâm thức riêng biệt, phối hợp nhịp nhàng với nhau vì bạn. Nhưng bạn giống như ông chủ chỉ biết bắt tụi nó làm việc vất vả, đôi khi là bóc lột sức lao động, mà chưa bao giờ biết cảm ơn. Sếp bạn không thưởng Tết bạn đã la làng, còn các bộ phận trên cơ thể bạn làm việc cả đời mà hiếm khi được để tâm tới, trừ lúc nó đình công vì bệnh.
Nếu bạn có thêm thời gian có thể ngồi thiền quán từng bộ phận trên cơ thể, xem cái tay, cái chân đang cảm thấy thế nào; điều gì đang diễn ra thầm lặng bên trong khi bạn suốt ngày bận rộn với mớ suy nghĩ và cảm xúc đến từ những sự kiện bên ngoài. Trò chuyện và lắng nghe cơ thể là cách để cơ thể lấy lại sự nhạy cảm vốn có, để bạn nhận ra những vấn đề còn nhỏ, có thể thay đổi dễ dàng trước khi quá muộn.
Khi bạn thấy cuộc đời thật khó sống, và bạn thật bất hạnh, hãy nhớ việc bạn đang tồn tại trên đời là một may mắn. Khi giữ được ý thức được tính màu nhiệm của sự sống, bạn sẽ luôn giữ được sự lạc quan.
Những “chiếc neo” cảm xúc
Mình độc lập một mình khá lâu. Mình cùng mình làm rất nhiều chuyện: đi ăn, đi xem phim, thậm chí là đi du lịch. Mỗi khi trời trở lạnh, hoặc khi cần thêm động lực, cần có cảm giác có “đồng minh”, mình hay nhìn vào lòng bàn tay. Lòng bàn tay nhắc mình nhớ về thực tại, rằng mình có 70 nghìn tỷ tế bào đồng hành cùng. Mình không một mình. Mình cũng thích những lúc áp hơi ấm lòng bàn tay lên mắt sau khi kết thúc một buổi thiền, hoặc chắp tay trước ngực trong một động tác Yoga. Cảm giác an tâm quay về ngay tức khắc.
Hoặc là mình đặt tay lên ngực, cảm nhận nhịp đập của trái tim. Mình nhận ra là dù có chuyện gì xảy ra thì tim vẫn chăm chỉ đập, giữ cho cơ thể mình sống. Mình phải tiến về phía trước. Chỉ cần mình còn sống, mọi thứ đều có thể.
Đừng để có bệnh mới vái tứ phương.
Những ngày cận Tết, một dịch bệnh mới xuất hiện bắt nguồn ở Trung Quốc rồi lan rộng ra nhiều nước. Đã có quá nhiều bài viết về mức độ nguy hiểm và cấp thiết của dịch bệnh, nên mình không bàn thêm ở đây. Mình hiểu mức độ quan trọng của việc cần chia sẻ thông tin để mọi người nâng cao cảnh giác, cẩn trọng hơn để phòng bệnh. Nhưng tốc độ lan truyền những thông tin tiêu cực, hoặc ít nhất là gieo rắc sự hoang mang và nỗi sợ còn nhanh hơn cả virus rất nhiều lần nhờ có mạng xã hội. Mình chỉ mong mọi người có khả năng phản biện khi đọc một thông tin nào đó và tìm đọc ở những nguồn tin chính thống (ví dụ như: https://www.who.int/). Ta không nên chủ quan, nhưng lại càng không bi quan.
Mình nghĩ những thông tin khác không quan trọng bằng cách phòng ngừa cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Nên mình sao chép một vài phương pháp ở đây:
- Đeo khẩu trang 3 lớp khi ra đường, đặc biệt là nơi tụ tập đông người.
- Vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay sạch; che miệng, mũi khi hắt hơi và cho khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy.
- Ăn uống đầy đủ.
- Ăn chín, uống sôi: đặc biệt là thịt, trứng phải được nấu chín. Tuyệt đối không ăn thịt động vật hoang dã.
- Không hút thuốc lá.
- Vệ sinh môi trường sống.
- Tránh tiếp xúc, hạn chế đến nơi tụ tập đông người.
Bên cạnh đó, bạn cần giữ cho tinh thần thoải mái, tích cực vì sức khỏe thể chất đi đôi với sức khỏe tinh thần. Nâng cao sức đề kháng bằng việc bổ sung vitamin C, vận động cơ thể và thiền định. Ăn thực vật là cách hiệu quả để nâng cao rung động tần số.
Nếu bình thường bạn đã chăm sóc cơ thể tốt, ăn uống tập luyện lành mạnh thì bây giờ… vẫn tiếp tục làm những việc bạn thường làm. Mình nghĩ dịch bệnh xuất hiện như một lời “cảnh báo” con người về chuyện săn bắn và ăn thịt động vật hoang dã, thậm chí là ăn sống không qua chế biến. Đã đến lúc mọi người phải tỉnh thức hơn về hành động của họ đối với các loài khác, vì chính sức khỏe bản thân họ chứ chưa nói đến vì môi trường sống hay Trái đất. Nhưng quan trọng hơn là lời nhắc nhở hãy chú ý giữ sức khỏe ngay cả khi bạn vẫn “khỏe bình thường”.
Sức khỏe giống như một tài khoản ngân hàng có giới hạn. Bạn sử dụng quá đà mà không để ý nạp lại, thời gian bạn thụ hưởng nguồn tài sản đó càng ngắn.
Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo!
Những ngày này, tốc độ lây lan của virus cũng không bằng tốc độ lây lan nỗi sợ và năng lượng tiêu cực thông qua tin tức (mà phần lớn là tin giả, tin tiêu cực) trên mạng xã hội. Lý do là vì con người, mà cụ thể hơn là “cái tôi” (ego) của con người, bị thu hút bởi những thông tin cảnh báo nguy hiểm đó. Con người trở thành giống loài đứng đầu muôn loài cũng nhờ có khả năng trao đổi thông tin một cách rõ ràng và phức tạp hơn các loài khác, đặc biệt là những thông tin liên quan đến sống còn (Theo sách Sapiens : A Brief History of Humankind). Những điều tiêu cực là thức ăn của “cái tôi”. Và “cái tôi” giữ con người trong chiếc lồng chật hẹp của nỗi sợ.
Thực tế là sức khỏe tâm trí có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất của bạn hơn bạn tưởng. Bản chất những suy nghĩ cũng mang rung động nhất định. Nỗi sợ, suy nghĩ tiêu cực, hoặc tập trung vào tin xấu là cách nhanh nhất để hạ rung động tần số của bạn. Có thể đi khám bệnh bác sĩ sẽ không nói do bạn suy nghĩ tiêu cực quá nhiều mà mắc bệnh. Nhưng một người thất tình có thể cảm thấy đau thắt ở tim. Một người nghĩ quá nhiều có thể đau đầu. Và những bệnh vô thưởng vô phạt bạn nghĩ từ trên trời rơi xuống thực chất bắt nguồn từ lối sinh hoạt (phần lớn là thói quen ăn uống) (đọc thêm ở The China Study) và những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực bạn mang trong suốt quá trình sống.
Những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ làm giảm khả năng miễn dịch, một yếu tố cực quan trọng trong việc phòng bệnh và chữa lành khỏi bệnh. Nếu tìm hiểu về cơ chế hoạt động của virus, bạn sẽ hiểu là virus hoạt động theo cách nhân đôi tế bào bệnh cho đến khi tế bào bệnh chiếm ưu thế. Đó cũng là lý do dịch bệnh do virus có thời gian ủ bệnh. Không có thuốc chữa virus, chỉ có vắc xin phòng bệnh. Việc các bác sĩ làm là hỗ trợ bạn dùng hệ miễn dịch của bạn sao cho tế bào khỏe nhân đôi nhanh hơn và nhiều hơn tế bào bệnh từ đó đẩy lùi bệnh tật. Tính đến thời điểm hiện tại, những bệnh nhân tử vong đều là có độ tuổi trung bình cao và có sẵn nhiều căn bệnh mãn tính. Nghĩa là, trong trường hợp xấu nhất, bạn nhiễm virus thì khả năng bạn khỏi bệnh nhờ vào khả năng miễn dịch rất cao. Tỉ lệ tử vong do virus corona tính đến thời điểm hiện tại chỉ từ 2% đến 4% (tùy nguồn, xin lỗi mình chưa tìm ra nguồn chính xác do con số ca cách ly thay đổi liên tục).
Thay vì hoảng loạn hoặc tiếp tục đọc tin tức tiêu cực (vốn những thứ bạn không thể tác động thay đổi), hãy để chính phủ, bác sĩ, đội ngũ hỗ trợ y tế làm phần việc của họ. Trong một thời gian ngắn mà những thay đổi mang tầm quốc gia diễn ra rất nhanh: Những chiếc máy bay được huy động để đưa người ngoại quốc kẹt ở Trung Quốc về nước; những chuyến bay tiếp tế thuốc, khẩu trang, nhân lực; các nhà khoa học bắt tay nghiên cứu cấu tạo của virus và chế thuốc đặc trị cũng như vắc xin; khẩu trang trở nên khan hiếm và người ta phải phát chẩn khẩu trang miễn phí; đội ngũ y bác sĩ thì làm việc ngày đêm theo dõi tình hình những người được cách ly;… Cuộc cách mạng đang diễn ra. Mình tin ai cũng đang cố gắng hết sức làm phần việc của mình.
Chúng ta, những người dân thường, điều tốt nhất có thể làm là quản lý bản thân, giữ cho mình khỏe vì thêm một người bệnh là thêm một vấn đề. Những người có trách nhiệm họ không cần bạn phải giúp một tay, chỉ cần đừng làm tình hình tồi tệ hơn bằng cách chia sẻ những thông tin tiêu cực, không chính xác, những ý kiến cá nhân hẹp hòi. Họ cần sự ủng hộ, cổ vũ từ bạn. Họ cũng đã cố gắng hết sức rồi. Mặt tích cực là, cả thế giới đang đồng lòng, tính nhân đạo đang được đẩy lên cao.
Thời kỳ khó khăn là cơ hội để bạn phát triển bản thân, để lựa chọn cho mình một cách để sống, để phân biệt được đâu là người có nhân phẩm, đạo đức. Trong thời kỳ này, hoặc người ta lợi dụng để tăng giá khẩu trang, hoặc người ta chọn phát khẩu trang miễn phí. Hoặc người ta lan truyền thông tin không chính xác để làm lợi cho họ, hoặc người ta chọn im lặng nếu không có điều gì tốt đẹp để nói. Hoặc người ta tiếp tục “mất lòng tin”, hoặc họ nhìn thấy mặt tích cực trong vấn đề. Giống như cách cơ thể phát sốt để giảm hoạt động của virus, Trái đất cũng cần một dịch bệnh như thế để trưởng thành.
Khi bên ngoài quá loạn mình chọn giữ cho tâm đứng yên. Mình hạn chế đọc tin tức, chỉ cập nhật nội dung chính trên các trang uy tín. Mình thiền, đọc sách, viết,… làm những việc hàng ngày vẫn làm. Đối với mình, trước Tết hay sau Tết cũng chẳng mấy khác biệt; trước dịch bệnh và trong dịch bệnh vẫn vậy cả thôi. Khác một chút là thực hiện những phương pháp phòng tránh mình có đề cập ở trên kỹ hơn; ra đường quan sát và tỉnh thức hơn.
Cơ thể là ngôi nhà.
Cơ thể là ngôi nhà trú ngụ của tâm hồn. Dù cái đầu bạn có những khát vọng đao to búa lớn đến đâu, bạn vẫn chỉ làm được trong phạm vi giới hạn bởi khả năng và nội lực của cơ thể. Vì vậy, mỗi ngày ta tập luyện để cơ thể bước ra khỏi vùng giới hạn của nó một chút, từ từ ta sẽ làm được nhiều hơn, phát triển lành mạnh và bền vững.
Hôm nay là 30 Tết rồi. Lời chúc sức khỏe nghe có vẻ “nhàm”, nhưng mình thực sự chúc bạn ăn Tết khỏe mạnh và an yên.
Chỉ cần bạn còn sống, mọi điều đều có thể.
Thương bạn,
Tiên Alien.
Để lại một bình luận