Mình làm sáng tạo nội dung đã được một năm. Trong khoảng thời gian đó, phần lớn là mình viết: Viết blog cá nhân, viết tạp chí online, viết sách,… Nhưng mình không muốn giới hạn bản thân nằm ở vị trí Writer – người viết. Mình muốn làm những thứ khác bên cạnh đó để mở rộng vòng tròn. Có rất nhiều phương tiện để bạn sáng tạo. Tội gì cứ phải chọn một con đường hẹp, phải không?
Một năm là khoảng thời gian không đủ dài để một junior – người mới trong giới sáng tạo, có thể bước lên vị trí senior – người tiền nhiệm. Nhưng một năm cũng là một hành trình cần được ghi nhận. Có rất nhiều điều mình học được trong khoảng thời gian này về chuyện làm nghề. Nên mình ghi chép lại để nhắc nhở mình sau này, dù có đi xa đến đâu cũng không được quên gốc. Và mình cũng hi vọng bài viết này hữu ích đối với những bạn mới hoặc đang trên hành trình giống mình, cũng quan tâm tới nghề và mong muốn tạo ra giá trị.
Tiên làm nghề gì?
Đây là câu hỏi thường xuyên bạn sẽ nhận được khi bạn gặp lại bạn bè cũ hoặc gặp những người mới. Nếu như gặp một người trẻ, tầm khoảng 8x đổ lại mình có thể nói: Mình là Content Creator – người sáng tạo nội dung, phần lớn là trên mạng xã hội. Những việc thường gặp của mình là: viết blog, viết tạp chí online, viết post Facebook, viết sách, làm vlog, làm Instagram story,… Còn đối với những người lớn hơn, họ không hiểu khái niệm này, mình chỉ đơn giản nói: Mình là người viết. Đương nhiên viết sẽ là không đủ. Nhưng… mình thấy chẳng quan trọng lắm đâu.
Mình cũng không đặt nặng lắm vấn đề mọi người cần hiểu đúng bản chất nghề mình làm là cái gì. Vì phần lớn mọi người đặt câu hỏi này cũng chỉ là để hỏi thăm và cập nhật tình hình mà thôi.
Thêm nữa mình mới chỉ làm nghề một năm. Có thật mình hiểu nghề này tường tận tất cả những kiến thức về nó hay không? Câu trả lời vẫn là chưa. Nên mình không quá nghiêm trọng chuyện hiểu đúng hiểu sai. Đây là một bài viết hoàn toàn cá nhân. Và cá nhân mình không được đào tạo chuyên nghiệp bài bản về nghề. Nên nếu bạn đi tìm một khái niệm chuẩn xác thì sẽ không có ở bài viết này.
Sau đây là khái niệm mà mình hiểu về nghề: Content Creator là người tạo ra nội dung hữu ích cho người tiêu thụ nội dung. Trong xã hội hiện đại, sản phẩm đôi khi chẳng cần là một vật hữu hình nữa. Sản phẩm không bị giới hạn bởi bất kỳ biên giới nào. Chỉ cần ở đâu có nhu cầu, ở đó có sản phẩm.
Và trong thế giới sáng tạo thì sản phẩm đôi khi chỉ là những ý tưởng, một phong cách sống, một món ăn tinh thần,… Những thứ đó không còn là trừu tượng nữa khi chúng trở thành một nhu cầu thiết yếu trong xã hội mà người ta thừa mứa vật chất nhưng lại thiếu thốn về tinh thần.
Vì sao Tiên chọn nghề này?
Ban đầu thì mình không chọn nghề này một cách có mục đích sẵn. Nghề này… nó chọn mình đấy chứ. Mình học chuyên ngành Business Management (Quản trị doanh nghiệp) ở trường Đại học. Lúc còn đi học, mình cũng chỉ mường tượng là chắc mình sẽ làm nghề gì đó liên quan đến kinh doanh.
Nhưng rồi cũng như là một cái duyên mà đã là duyên thì mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Mình bắt đầu viết blog. Sau đó, mình bị ấn tượng bởi ý tưởng của Bright – công ty mình đang làm việc hiện tại đến giờ là một năm. Bright có giá trị cốt lõi là giúp mọi người sống hạnh phúc hơn mỗi ngày. Mình nhìn lại giá trị cốt lõi của mình cũng y chang như vậy. Nếu như mình không làm cho Bright thì mình vẫn sẽ thực hiện mong ước đó thông qua kênh của mình thôi. Vậy thì tại sao không?
Lúc mình mới biết Bright thì Bright có đăng tin tuyển dụng. Trong tất cả những vị trí Bright tuyển thì có đúng vị trí Writer là phù hợp với mình. Thế là mình nộp đơn thôi.
Ngày đó mình cũng đang có thời gian cho một cuộc dạo chơi để vững lại tinh thần. Nên mình chỉ nghĩ là mình sẽ làm writer một thời gian ngắn sau đó quay về con đường “chính đạo” đúng ngành của mình. Nhưng sau đó… không có sau đó nữa. :))
Bởi vậy mới nói nghề này đã chọn mình. Nhưng việc chọn ở lại với nghề là quyết định của mình.
Mình là người sống trong hiện tại và sống theo dòng chảy. Nên mình không thể nói chắc chắn được là 5 năm nữa, 10 năm nữa mình có còn làm trong nghề hay không, có ham muốn trở thành Senior Creator hay không. Có thể mình sẽ quay về làm kinh doanh. Cũng có thể không. Nhưng chuyện đó cũng chả quan trọng lắm đâu. Quan trọng là hôm nay mình hạnh phúc với công việc mình làm. Hôm nay của ngày mai nữa mình cũng hạnh phúc như vậy dù cho mình làm gì. Vậy là được.
Sáng tạo nội dung chỉ là công cụ, chưa bao giờ là đích đến.
Vì sao mình viết mình không rõ mình có muốn phát triển nghề lên thêm không dù mình hạnh phúc với nghề ở thời điểm hiện tại?
Mình biết có rất nhiều người làm sáng tạo và đam mê sáng tạo. Họ đam mê nghề ở khía cạnh bản chất, tính chất của nghề thực sự. Mình có thể cảm nhận được ngọn lửa đam mê ánh lên trong mắt họ khi họ nghĩ ra một ý tưởng mới thú vị, hoặc khi họ chia sẻ về công việc họ làm.
Một trong những ví dụ trong vòng tròn nhỏ bé mình biết là anh Sơn – Sói ăn chay. Anh bảo: “Anh chỉ muốn mình luôn sáng tạo mỗi ngày đến hết đời.” Anh vừa phát triển trong sự nghiệp của mình, vừa ươm mầm sáng tạo cho nhiều bạn trẻ khác ở các Lớp học tình thương. Đó là điển hình của một người có tâm huyết với một nghề nào đó theo quan điểm của mình.
Mình cũng đam mê viết lách, sáng tạo. Thực sự. Mình cảm thấy mình được là mình nhất khi mình ngồi xuống viết và viết và viết. Viết là chuyện tự nhiên như hơi thở đối với mình. Nó không có khúc mắc, tắc nghẽn nào. Mình không phải cố gắng nỗ lực quá nhiều như là mình nói, quay video làm vlog. Có những ngày mình thèm được viết đến nỗi mình phải dẹp tất cả mọi thứ sang một bên để viết thôi.
Nhưng điều khác biệt giữa những người sáng tạo, những người viết chuyên nghiệp ngoài kia và mình chính là nội dung viết.
Một người làm nội dung chuyên nghiệp họ có thể viết bất cứ chủ đề gì trên đời, dù nội dung đó có cùng hướng với niềm tin và giá trị cá nhân của họ hay không. Giống như một người làm Marketing chuyên nghiệp họ có thể quảng bá những sản phẩm họ không thích dùng hoặc họ cảm thấy sản phẩm không tốt cho sức khỏe bằng cách sử dụng skill (khả năng chuyên môn).
Mình thực sự tôn trọng họ vì họ làm được công việc mà mình không làm được. Có thể một số người làm nội dung khi lên đến vị trí cao họ sẽ có quyền lựa chọn nội dung họ làm sao cho phù hợp với giá trị cá nhân: Không làm cho những sản phẩm mà họ không tin dùng nữa. Nhưng phần lớn bộ máy làm nội dung, làm quảng cáo ngoài kia đang là những bạn không có nhiều sự lựa chọn.
Trong hệ giá trị cá nhân của mình, làm nội dung chỉ là một trong vô vàn những cách để mình đạt được mục đích cốt lõi: Giúp đỡ mọi người sống hạnh phúc một cách bền vững hơn. Điều thực sự mình băn khoăn là về cảm xúc, tâm lý, phát triển con người chứ không phải là sáng tạo.
Một số người sẽ làm được chuyện này thông qua giáo dục, thông qua các lớp chữa lành cảm xúc, làm diễn giả hoặc vô số những nghề khác. Còn mình chọn một con đường mà mình vừa có khả năng, vừa đam mê vừa có thể giúp mình đạt được mục đích đó.
Dạo này mình thích khái niệm về “Tế bào gốc”. Khoa học chỉ ra rằng Tế bào gốc là tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác. Tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ tế bào nào tùy môi trường yêu cầu.
Đối với mình, “tế bào gốc” chính là giá trị cốt lõi. Chỉ cần mình còn làm những việc giúp mình đạt được giá trị đó, thì dù mình có đang làm nghề gì thì đó vẫn là chính mình.
Bởi vậy, nên nếu như một ngày mình không làm Content nữa thì cũng chẳng sao cả. Vì Content chỉ là phương tiện giúp mình được sống là mình, đạt được mục đích của mình. Mất nghề thì tế bào gốc vẫn sẽ đẻ ra việc mới để mình làm thôi. Ngày nào mình còn sống, còn thở, ngày đó mình vẫn còn cơ hội phát triển và cống hiến.
Bạn được trả tiền cho giá trị bạn tạo ra.
Có nhiều bạn làm nội dung đặc biệt là viết không hiểu rõ giá trị bản thân. Bạn thấy việc viết là dễ dàng. Người ta bảo không biết làm gì thì đi làm báo, hoặc những nghề tương tự như copy writer.
Đúng là ai cũng có thể viết. Nhưng không phải ai cũng hiểu họ đang viết cái gì.
Mình đã từng nói trong 1 buổi talk show là: “Điều quan trọng nhất trong sáng tạo đối với mình chính là chất liệu sáng tạo.” Bạn phải có cái gì đó bên trong thì bạn mới tạo ra được nội dung. Và nội dung đó mới là của bạn.
Quan trọng ngang với những điều bạn tạo ra chính là những gì bạn nạp vào. Bạn phải nuôi dưỡng tâm hồn mình, vốn sống của mình bằng những kiến thức đúng đắn thì bạn mới có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp chân thực.
Việc bạn tìm kiếm (research) và sao chép (copy), thay đổi một số từ ngữ cũng giống như bạn hái một bông hoa và cắm trong vườn nhà mình. Chẳng bao lâu bông hoa đó sẽ tàn.
Còn việc sáng tạo chính là bạn gieo một hạt giống xuống đất. Mỗi ngày bạn tưới tắm cho nó bằng chất liệu sáng tạo từ chính trải nghiệm của bạn. Hạt giống đó sẽ mọc lên bông hoa. Bông hoa đó mang màu của riêng bạn và nó bền vững.
Chúng ta làm nội dung là để cho con người thưởng thức, để phục vụ con người. Bạn phải bỏ vào đó con người bạn thì người đọc, người xem họ mới cảm nhận được tính chân thật đằng sau.
Bạn làm sáng tạo nhưng bạn không mang lại giá trị mới cho cuộc đời thì cũng chỉ là đi “bán chữ”. Mình nghĩ ai làm nghề gì cũng muốn thực phát triển trong nghề của họ và tạo ra những sản phẩm mang màu cá nhân họ nhất, để lại những dấn ấn trong cuộc đời.
Để làm được điều này, bạn phải bắt đầu từ bên trong.
Không phải việc nào cũng cần cái tôi cá nhân của người sáng tạo. Có những work (việc) mà bạn phải tan ra, làm mất đi cái tôi để thể hiện rõ mục đích của nhãn hàng, hoặc khách hàng của bạn. Nhưng việc hiểu rõ bạn đang làm gì và công việc này yêu cầu ít hay nhiều chất liệu từ bản thân để nêm nếm vừa vặn đối với mình cũng là một dạng thông minh. Việc tàng hình đi cũng là một cách để thể hiện sự chuyên nghiệp của cái tôi sáng tạo trong trường hợp này.
Bởi vì không phải ai cũng tỉnh thức trong nghề nên giá của bạn chính là giá trị mà bạn tạo ra.
Có rất nhiều người làm nội dung ở ngoài kia. Thế mạnh cạnh tranh của bạn, nếu không xét đến kỹ năng nghề nghiệp (vì đối với mình phần này có thể rèn luyện chăm chỉ mà có) chính là di sản cá nhân.
Di sản cá nhân là vốn sống bạn có, giá trị niềm tin bạn mang, lối sống mà bạn đại diện. Phần này không thể đi sao chép và nếu có sao chép thì cũng rất dễ để nhận diện đâu là thật đâu là giả.
You don’t get paid by the hour. You get paid for the value you bring to the hour.
– Jim Rohn
Trước khi bạn định giá công việc của mình, hãy nhớ lại thời gian và công sức bạn đã đầu tư vào bản thân để có được tư duy, thấu hiểu tâm lý insight con người, có một số kiến thức về một vài mảng nhất định.
Số tiền bạn nhận được chắc chắn không chỉ nằm ở số giờ bạn bỏ ra để tạo ra nội dung đó. Vì rõ ràng hai con người khác nhau, cùng một thời gian khác nhau sẽ cho ra hai tác phẩm chất lượng và chiều sâu khác nhau. Điểm khác ở đây chính là yếu tố con người.
Dù bạn làm nghề gì, mình tin rằng một ý định đúng đắn, một thái độ chân thành và sự tỉnh thức trong công việc sẽ giữ bạn đi đúng hướng.
Chúc bạn hạnh phúc trong công việc!
Tiên Alien
Để lại một bình luận