Đạo tin vào triết lý vô vi. Đạo tin là bạn chẳng cần phải bơi, mà chỉ buông xuôi theo dòng sông, mặc dòng nước đem bạn tới bất cứ nơi nào nó đi – bởi vì mọi con sông rốt cuộc đều đổ ra đại dương. Thế nên chớ lo lắng, bạn sẽ đến đại dương. Chẳng cần căng thẳng làm gì. Tự thân hành trình là đích đến. Vì vậy nên, hành trình của Đạo không bao giờ có điểm kết thúc. Nó vĩnh hằng.
Đạo nghĩa là hiện hữu trên con đường theo cách con đường và bạn là một – chúng ta không tách rời nó. Chúng ta là một toàn thể nối liền với nhau, bạn ở trong tôi và tôi ở trong bạn. Ý tưởng tách rời xuất phát từ bản ngã. Nếu bạn còn với bản ngã, bạn không ở trong Đạo.
Mọi thứ đều được kết nối. Đạo ngụ ý tính được kết nối, tính được tương kết, tính tương thuộc của tất cả. Không một ai tách rời, bản ngã là một ảo tưởng. Bạn càng có nhiều thứ thuộc thế gian này, bạn càng có ít hạnh phúc vì khi đó bản ngã của bạn ngày càng trở nên mạnh hơn. Đạo nói khi bạn không là gì bạn sẽ trở thành tất cả. Tan biến đi và bạn sẽ trở thành cái toàn thể. Đạo không thể được dạy, nhưng đạo có thể được học. Trong sự tĩnh lặng hoàn toàn, bạn sẽ ngộ ra.
Đạo nói không ai cao quý, không ai hèn kém; không ai vĩ đại, không ai tầm thường, bởi chúng ta thuộc về một thực tại, thuộc về một Đạo.
Đạo là con đường không lối.
Bạn chẳng cần bận tâm đến đích đến. Đích đến hiện diện trong từng khoảnh khắc và trong từng bước chân. Nó là con đường, nhưng không có sẵn lối đi. Chính bạn phải tìm ra con đường của riêng bạn, bằng cách bước đi, sống cuộc sống của bạn.
Đạo tin rằng mỗi người đạt đến chân lý bằng con đường của riêng họ, nên Đạo tuyệt đối tôn trọng cá nhân. Nếu bạn cố gắng tích lũy kiến thức bên ngoài, chân lý đó là vay mượn, bạn trở nên có kiến thức nhưng đó không phải là biết. Chân lý không cần suy nghĩ, nó cần trải nghiệm. Thông qua trải nghiệm mới là cái biết của riêng bạn.
Đạo là sự chấp nhận mọi thứ. Quan điểm của Đạo là hợp tác, không phải xung đột. Đạo không chống lại tự nhiên mà sống cùng với nó, hợp tác và đi cùng với nó.
Đối với Đạo, cuộc sống là không mục đích. Vì khi một mục đích đạt được, bạn sẽ lập tức tìm ra mục đích khác. Bạn sẽ không bao giờ đến, không bao giờ thỏa mãn. Đạo là đã đến nơi, ngay đây và bây giờ.
Đạo là trống rỗng. Trong trạng thái trống rỗng, tĩnh lặng, bạn nhìn thấy bộ mặt nguyên thủy của mình, bạn biết bạn là ai. Bất cứ lúc nào bạn một mình, tĩnh lặng, thanh thản, đột nhiên bạn sẽ được định tâm, tiếp đất; bạn sẽ cảm nhận được niềm vui vô tận.
Đạo là sống trọn vẹn trong sự tỉnh thức.
Nếu bạn thực sự muốn biết, hãy bắt đầu trở nên tỉnh thức, sống một cách có ý thức, tích lũy ý thức. Hãy sống trọn vẹn trong hành động của bạn, không có suy nghĩ khác. Tất cả thân, tâm, trí đều hòa nhịp vào việc làm. Trở thành người quan sát việc mình làm. Khi đó, ăn trở thành thiền, chẻ củi trở thành thiền, gánh nước trở thành thiền, nấu ăn trở thành thiền.
Từng hành động trở nên trọn vẹn đến mức từng hành động đều mang phẩm chất của Đạo. Bạn vô vi khi bạn trọn vẹn. Thế thì Thượng đế mới là người làm, hay toàn thể là người làm – bạn chỉ là phương tiện. Và đó chính là phúc lành, là ân sủng.
Vô vi có nghĩa là làm mà như không làm. Đó là mục đích của đạo: Hành động nhưng hãy để Đạo hành động thông qua bạn. Thông qua Đạo, bạn nghỉ ngơi trong cuộc sống.
Cách tiếp cận của Đạo gia là con đường vô trí. Bạn không nghĩ về cuộc sống, bạn nhìn thẳng vào nó, sống qua nó, trải nghiệm nó bằng toàn bộ bản thể mình. Dù điều gì sắp xảy ra, bạn phải sẵn sàng chấp nhận nó. Những người không tin tưởng cuộc sống mới tạo ra niềm tin, giáo điều, lý thuyết để bảo vệ chính họ. Người trí huệ mở rộng, đón nhận mọi điều, cởi mở với cái chưa biết.
Bạn là chính mình mà không phải là ai khác; và đừng tham vọng bởi điều đó quá tầm thường, cũng đừng so sánh mình với bất kỳ ai vì sự so sánh đem lại không thỏa mãn. Cứ sống cuộc sống của bạn một cách trọn vẹn nhất có thể. Đồng thời, người tu tập không can thiệp vào cuộc sống của người khác, thậm chí không ý kiến. Họ tuyệt đối tôn trọng người khác.
Hạnh phúc luôn sẵn có ở đây rồi.
Hạnh phúc không là thứ xảy ra hay không xảy ra, nó sẵn có ở đó rồi. Hạnh phúc là chất liệu tạo nên dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, đạo nhân sống hài hòa với tự nhiên. Do đó, đạo nhân luôn hạnh phúc. Bất kể điều gì họ làm, họ làm nó một cách vui sướng.
Quy luật nền tảng của cuộc sống là: Thứ mà có nguyên nhân thì không bao giờ vĩnh hằng. Khi nguyên nhân biến mất, nó sẽ biến mất. Thứ không nguyên nhân sẽ là mãi mãi, bởi không có gì có thể phá hủy nó được. Nếu hạnh phúc của bạn xuất hiện do một nguyên nhân nào đó bên ngoài, khi ngoại cảnh không còn thuận lợi, bạn sẽ chìm vào đau khổ. Còn nếu bạn hạnh phúc với mọi cảnh, mọi sự, mọi người, bạn đang ở trong Đạo.
Hạnh phúc thật sự là ở đây và bây giờ, không liên quan đến quá khứ hay tương lai. Nếu không thì hạnh phúc là giả tạo, vì quá khứ thì qua rồi còn tương lai thì chưa tới. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bất ổn, bạn đã xa rời thực tại. Bất cứ khi nào bạn ở gần thực tại, thì vô cùng yên ổn, bình an.
Đạo nói rằng bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc ngay trong khoảnh khắc này, không cần nguyên nhân, vì thế không cần thực hành. Hạnh phúc là điều vốn dĩ có sẵn, chỉ cần bạn cho phép mình hạnh phúc. Bản chất của bạn là phúc lành. Nhưng bạn phải cho phép nó, phải thả lỏng, phải vô vi. Khi bạn hiện diện, chánh niệm, bạn hạnh phúc tột cùng.
Bằng cách hạnh phúc, bạn mới có thể lan tỏa hạnh phúc cho người khác. Đó đích thực là phụng sự.
Chân lý là một, không thể nào khác được, bởi hiện hữu là một vũ trụ, nó không phải là “đa vũ trụ”. Nó gắn chặt với nhau. Nó là một thể thống nhất. Nó là một thể hài hòa. Thứ giữ cho vũ trụ gắn với nhau là thứ mà chúng ta gọi là chân lý, hay là Đạo, hay là Thượng đế.
Để đi trên con đường của Đạo, để biết chân lý bạn phải sẵn sàng dấn thân, quên đi những con đường đã được vẽ sẵn từ những người đi trước và tự “thắp đuốc mà đi”, khám phá ra con đường của riêng bạn. Chúc bạn sống trọn vẹn là chính mình.
Tiên Alien đúc kết từ sách Đạo – Con đường Không lối của Osho
YLoan says
Hay quá cô Tiên ưi^^
Tiên Trần says
Cảm ơn chị Loan hihi