Dù bạn là ai, làm gì, ở đâu thì người luôn bên cạnh bạn từ lúc sinh ra đến lúc mất đi chỉ có mình bạn. Dù bạn có một mối quan hệ đậm sâu, dù bạn rất gắn bó với gia đình, bạn bè, tất cả mọi người ai cũng đến và đi vào một lúc nào đó. Chuyện này chẳng có gì là đáng buồn cả, đó chỉ đơn giản là quy luật tự nhiên. Nhưng sẽ rất buồn nếu bạn không hài lòng với chính mình – người đồng hành với bạn từ đầu đến cuối, không yêu thương bản thân.
Bạn có yêu thương bản thân đúng cách?
Có thể ai cũng tự nhận là yêu bản thân, nhưng phần lớn chúng ta chưa biết cách yêu thương mình cho đúng. Ta nuông chiều cho mình ngủ nướng thêm một tí rồi để bản thân luôn trễ giờ. Ta ăn thức ăn nhanh, ăn mỡ động vật, uống rượu và hút thuốc vì ta nghĩ đến cái sướng nhất thời. “Đồ ăn ngon thế tội gì không ăn?” Tuy nhiên, cơ thể ta là những gì ta ăn. Ta không thể ăn đồ ăn có hại cho sức khỏe và mong là cơ thể luôn khỏe mạnh. Ta dành thời gian để chơi game, xem Ti Vi thay vì đọc báo, đọc sách. Ta tự tiêu tốn thời gian của mình vào những việc vô nghĩa. Ta bỏ tập thể dục vì lười quá, vì đi làm về mệt quá nhưng chính việc không tập luyện dẫn tới cơ thể mệt mỏi, uể oải vào cuối ngày. Ta chẳng quan tâm đến môi trường mấy, ta vẫn dùng bao nilon, vẫn tiện tay thì xả rác mà không biết là những thứ ta thải ra môi trường đi vào chuỗi thức ăn và quay lại vào trong thức ăn của con người gây ra nhiều bệnh tật. Ta mong cầu tình yêu, sự quan tâm từ bên ngoài trong khi ta còn chưa chăm sóc, quan tâm mình đủ – bận quá thì bỏ bữa, nhiều việc quá thì thức khuya…
“You will always be too much of something for someone: too big, too loud, too soft, too edgy. If you round out your edges, you lose your edge. Apolozise for mistakes. Apolozise for unintentionally hurting someone profusely. But don’t apolozise for being who you are.”
― Danielle Laporte
Bên cạnh việc không chăm sóc cho cơ thể, ta còn không coi trọng tinh thần. Giống như cơ thể, tinh thần cũng là một phần của ta, cũng cần được quan tâm đầy đủ. Ta lao vào những cuộc tình hời hợt, chọn ở lại bên cạnh người luôn làm tổn thương ta. Ta tin vào những “nhãn dán” mà xã hội đặt cho mình rằng ta chưa đủ cao, chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt. Ta thậm chí chán ghét mình, Body shaming chính mình. Ta tự hạ thấp mình bằng những suy nghĩ tiêu cực và không cầu tiến. Đặc biệt trong văn hóa phương Đông, nơi cái tôi cá nhân không được khuyến khích thể hiện, ta phải khép mình không dám nói tiếng nói của bản thân. Ta phẩy tay bảo “Tôi may mắn đấy.” khi nhận được lời khen từ người khác mà không biết rằng hành động đó là chối bỏ sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Ta luôn cố gắng làm hài lòng mọi người, còn mình thì ta bỏ mặc. Câu cửa miệng của ta là “Sao cũng được.”, chẳng phải vì ta dễ dãi, chỉ là sự lựa chọn của ta có thể đặt sau lựa chọn của mọi người. Mọi người sẽ đối xử với bạn theo cách mà bạn đối xử với chính mình. Hi sinh quá nhiều đôi khi chẳng phải là cao cả, mà là tự sát.
Học thương mình đúng cách
Bạn chỉ có thể Một mình hạnh phúc khi bạn biết yêu thương bản thân đúng cách. Thương mình, bạn mới biết cách thương người. Bạn không thể trao đi yêu thương mà bạn không có. Bên trong mỗi người lớn cô đơn là một lỗ hổng mà bản thân họ không chịu nhìn nhận và tự lấp đầy. Ta đi tìm kiếm nó ở bên ngoài, tạo nên những mối quan hệ không lành mạnh (Toxic relationship).
Dù trong tình huống xấu nhất, bạn vẫn luôn có hơi thở là người bạn đồng hành. Khi bạn biết dựa vào chính mình, vào hơi thở của mình, bạn sẽ chẳng bao giờ cô đơn nữa. Trưởng thành chẳng phải kiếm được nhiều tiền, hay đạt được thành quả gì lớn lao. Trưởng thành đôi khi chỉ đơn giản là biết cách chăm sóc cho bản thân cả cơ thể lẫn tâm trí đúng cách, đầy đủ, khuyến khích bản thân không ngừng học hỏi, tiến bộ hơn mỗi ngày. Cuộc sống là tập hợp của những trải nghiệm. Tại sao không lựa chọn những trải nghiệm hạnh phúc với người bạn đồng hành trung thành của bạn mỗi ngày?
If you cannot love yourself, you cannot love others. You will not be able to love others. If you have no compassion for yourself then you are not able to developing compassion for others.
– Dalai Lama
Thương mình không phải là chiều theo những sở thích có hại cho bản thân, mà là thay đổi để hình thành những thói quen tốt.
Bắt đầu quan tâm đến những hoạt động “đầu tư dài hạn” thay vì những lợi ích nhất thời. Dù cuộc sống bận rộn đến đâu, hãy luôn cố gắng sắp xếp dành ra một khoảng thời gian riêng cho chính mình mỗi ngày khi mà bạn có thể làm bất kỳ việc gì mà bạn muốn như ngồi thiền, tập yoga hay đọc sách. Thời gian cho bản thân là vô cùng quan trọng để bạn nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức, nạp lại năng lượng cần thiết để tiếp tục học tập, làm việc. Hãy ưu tiên cuộc hẹn với bản thân thay vì mải miết tham gia các cuộc họp mặt bên ngoài.
Khoa học đã chứng minh một chế độ ăn uống nhiều rau, củ, quả có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể con người. Thịt động vật, ngược lại, chứa nhiều chất độc mà con vật tiết ra do sợ hãi và giận dữ lúc bị giết. Những năng lượng tiêu cực đó theo đường thức ăn đi vào cơ thể gây ra nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, chúng ta đã luôn được dạy “Phải ăn thịt, cá, trứng, sữa mới có đủ chất, đủ sức”. Niềm tin đó hình thành một lối mòn trong suy nghĩ, khiến ta cảm thấy mệt mỏi khi thử vài bữa ăn thực vật. Ngoài ra, một số người biết thịt không tốt nhưng vẫn ăn vì họ thấy ngon (hơn ăn thực vật). Ngon hay không ngon cũng là một rào cản suy nghĩ khác khi ta đã dành quá nhiều năm cuộc đời gắn cho thịt chiếc nhãn “ngon” và rau chiếc nhãn “không ngon”. Nuôi dạy một đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rau củ ngon và bổ nó sẽ chẳng bao giờ thèm thịt cả. Cơ thể con người được cấu tạo để ăn thực vật. Nếu bạn ý thức được điều đó, bạn sẽ chọn nạp vào cơ thể này những gì nó thực sự cần hơn là những gì bạn muốn. Bên cạnh việc ăn uống đúng cách, hãy cố gắng giữ cơ thể luôn vận động dù đó đơn giản chỉ là đi bộ, leo cầu thang nếu bạn có lịch trình quá bận rộn, hoặc đăng ký cho mình một lớp nhảy, bơi lội… bất kỳ môn thể thao nào mà bạn yêu thích.
Thương mình là khi bạn nhận ra rằng thế giới này là một và thế giới này cũng là chính bạn.
Mỗi người bạn gặp trong cuộc đời là một phần của bạn (trong quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai). Khi bạn nhận ra mình trong mọi người, bạn sẽ không phân biệt, kỳ thị, bạn chỉ có tình thương và lòng trắc ẩn. Bạn sẽ luôn nhận được những gì bạn cho đi. Giúp đỡ người khác đôi khi là giúp đỡ mình. Mối quan hệ của bạn đối với môi trường sống cũng tương tự như vậy. Vòng tuần hoàn của rác đôi khi ngắn hơn bạn tưởng. Bạn có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như dùng túi vải thay vì bao nilon, dùng ống hút sắt thay vì ống hút nhựa,…
Thương mình không chỉ là mua quà cho bản thân, mà là tin rằng mình xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất.
Khi bạn biết rằng bạn là duy nhất, quý giá nhất, bạn sẽ không còn tính toán quá nhiều khi đầu tư vào bản thân. Đầu tư cho mình là một quyết định không bao giờ lỗ. Nếu bạn có nhu cầu, hãy làm việc chăm chỉ hơn để thỏa mãn nó thay vì bấm bụng nhịn cho qua. Có như vậy bạn mới không ngừng phá vỡ giới hạn và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Hãy đơn giản nói “Cảm ơn.” khi nhận được lời khen hay quà tặng từ ai đó, vì sau mọi nỗ lực của bạn, nhận được lời công nhận hoặc tình cảm là xứng đáng. Khi người khác vỗ tay cho bạn, bạn cũng đừng quên vỗ tay cho chính mình. Giữa trăm cái vỗ tay từ mọi người, “cái tôi” cá nhân bạn cần lắm sự công nhận từ chính bạn.
Hãy thương mình như cách bạn vẫn luôn thương người ta.
Khi ai đó bắt nạt hoặc đối xử với bạn bất công, hãy dũng cảm bảo vệ mình. Khi người nắm tay bạn làm bạn tổn thương, hãy thương mình đủ để dừng lại và rẽ sang hướng khác. Thèm ăn thì dắt mình đi ăn, muốn xem phim thì nhanh tay đặt một vé. Đã có quá nhiều thời gian bạn chờ đợi một ai đó cùng thích ăn món mình thích, cùng xem bộ phim mình muốn xem rồi.
Bên cạnh việc chăm sóc cơ thể vật lý, nuôi dưỡng chăm sóc cho cảm xúc của mình cũng vô cùng quan trọng.
Vui, buồn, giận, xấu hổ… tất cả đều là cảm xúc bình thường của con người đều cần được nhận biết và tôn trọng như nhau. Con người ta hay có thói quen chỉ nhận diện niềm vui và chối bỏ những cảm xúc như đau buồn, mặc cảm hay tội lỗi. Chính thói quen đó đã đè nén cảm xúc và dẫn đến stress, các bệnh tâm lý và đặc biệt là trầm cảm. Hãy yêu thương mình đủ nhiều để kiên nhẫn với mình, lắng nghe những cảm xúc đang trỗi dậy bên trong và xoa dịu nó. Khi cơn buồn được thỏa mãn, nó sẽ không làm mình làm mẩy nữa mà tự động bỏ đi. (Đọc bài Buồn thì có làm sao?)
Thương mình là tin vào bản thân.
Thương mình là tin vào bản thân và ủng hộ mình tìm hiểu về chính mình, làm những việc mình muốn làm để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ta thường không tin chính mình vì ta là người hiểu mình nhất, ngoài những điểm tốt đẹp ta luôn tự hào, ta biết rất rõ những điều xấu mà mình luôn chối bỏ. Để lấy được lòng tin của bản thân, ta phải làm được những gì mình nói, giữ được lời mình hứa, sống đúng với bản chất thật của mình. Khi bản thể của bạn thấy bạn luôn chân thật, nó sẽ tự động có niềm tin vào bạn.
Thương mình là sống Tại đây và bây giờ vì bạn biết rằng cuộc sống chỉ diễn ra ở phút giây hiện tại. Tiếc nuối quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, bạn sẽ không bao giờ thực sự sống.
Cuối cùng, yêu bản thân không phải là ích kỷ mà là sự chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ để có thể yêu thương người khác, hơn nữa là giúp đỡ và cống hiến cho xã hội.
Bài viết này là sự ghi nhận của mình về tình yêu đối với bản thân và những nỗ lực của mình để sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Mình luôn cố gắng làm được những gì mình viết nên viết là một quá trình vừa để chia sẻ với mọi người vừa là “lời cam kết” đối với chính mình. Cuối cùng, mình làm tất cả cũng chỉ để mình hạnh phúc.
Chúc mừng sinh nhật lần thứ 21,
Tiên Alien
Hoang says
Cảm ơn bài viết của bạn! Hay lắm ạ! 🥰💓
Tiên Trần says
Cảm ơn bạn đã đọc hihi