Một số bạn có hỏi mình là nếu ở trong hoàn cảnh cực kỳ ngặt nghèo ví dụ như bệnh nan y, nợ nần,… thì làm sao để bình an? Một người tỉnh thức sẽ hành xử ra sao trong trường hợp ngoại cảnh cùng cực khó khăn đến thế? Làm thế nào để “nhìn mọi thứ như nó là“?
Hoặc một số bạn cho rằng mình phởn như hiện tại là do hoàn cảnh thuận lợi, hoặc ít khó khăn hơn họ.
Thực tế là để mình là phiên bản mình hiện tại, cứ liên tục buông đi những cái muốn khi nó xuất hiện, cứ liên tục quay về neo ở tâm, bình an lướt qua cuộc đời, đều là nhờ có khổ. Khổ là người thầy, không phải là kẻ thù. Mọi thứ mình kể nghe thật nhẹ nhàng, không có nghĩa là những gì đi vào, những gì mình đối diện cũng đơn giản và thanh thoát như thế. Mình chỉ đơn giản muốn chuyện gì có thể làm cho nhẹ bớt, thì mình nhất quyết không nặng nề với nó làm gì.
Chừng nào bạn còn đổ lỗi cho cảnh, cho bài toán Vũ trụ gửi đến bạn quá nan giải, chừng đó bạn còn chịu thua. Vũ trụ chẳng bao giờ gửi thử thách vượt quá khả năng của bạn. Những gì đang diễn ra trước mắt là phù hợp với rung động của bạn, do đó, bạn hoàn toàn đủ năng lực để đi qua.
Một người giác ngộ rất ít khi sinh ra với hoàn cảnh thuận lợi. Cái khổ chính là cú tát để họ tỉnh giấc khỏi cơn mơ. Mà nếu như bạn không hài lòng với cảnh, thì dù cảnh có thuận lợi đến mấy, bạn cũng chẳng vui đâu. Sự bất mãn nằm bên trong.
Mà bước một bước tiệm cận với Sự thật tuyệt đối thì hoàn cảnh bên ngoài là kết quả của nhân trong tâm mà thôi. Bạn muốn tham gia vào trò chơi bạn đang chơi. Bạn thích cái khổ bạn đang chịu đựng. Thế thì hãy chịu trách nhiệm cho nó. Khoảnh khắc bạn thực sự đầu hàng, và thừa nhận rằng ngoại cảnh là do bạn chọn, tâm khổ hay tâm sướng cũng là bạn quyết định, chừng đó bạn mới trở thành người chủ cuộc đời mình.
Bằng không thì bạn cứ đọc hết mọi cuốn sách, xem hết mọi video, nghe hết mọi bài thuyết giảng về tỉnh thức, cũng không ngộ ra điều gì. Tỉnh thức cần được thực hiện bằng lựa chọn trong tâm. Bạn phải đi qua đường hầm tối tăm, cô độc, lạnh lẽo, một mình, một cách can đảm. Chẳng ai có thể tỉnh thay cho bạn cả. Mà theo mình thấy thì phần lớn mọi người đã có đủ thông tin rồi. Họ chỉ đơn giản không làm mà thôi.
Tỉnh thức không phải là lối thoát khỏi cảnh. Thật đấy! Tỉnh thức rồi không có nghĩa là căn bệnh biến mất một cách thần kỳ, cục nợ tự dưng được trả, hay vấn đề tự động giải quyết chính nó. Tỉnh thức rồi thì con cái vẫn khóc như thường, cái bụng vẫn đói (chứ không phải chỉ cần ăn không khí là đủ), bạn vẫn phải chạy deadline, hoặc làm việc thêm giờ,… Cuộc đời vẫn là một mớ hỗn độn y như cũ.
Chỉ có điều duy nhất đổi là bạn. Bạn là con người mới. Lúc này, vấn đề vẫn là vấn đề, nhưng bạn chẳng coi nó là vấn đề. Hay nói theo cách dễ hiểu hơn thì bạn không chống lại vấn đề nữa. “Nhìn mọi thứ như nó là” không phải là nhìn căn bệnh, cục nợ, khổ như là giấc mộng ảo không thực. Tất cả chúng rất thực, ít nhất là trong trò chơi bạn đang tham gia. Nhìn mọi thứ như nó là chính là sự chấp nhận rằng mọi thứ đang khó khăn thật đấy, và chịu trách nhiệm cho đống lộn xộn mà bạn tạo ra.
Giác ngộ không phải là một chiếc máy bay đưa bạn ra khỏi những gì bạn đang gặp phải. Thực tế nó là phương tiện để bạn đâm đầu vào cuộc sống này, một cách dũng cảm và ít sợ hãi hơn mà thôi. Bạn vẫn có thể sợ, có thể đau khổ, mỏi mệt, nhưng bạn vẫn phải làm điều cần làm để dọn dẹp mớ bòng bong trước mặt.
Có chơi thì có chịu, đó là quy luật cơ bản mà không cần tỉnh thức bạn cũng phải làm được. Thế thì khi gặp cảnh bất như ý, bạn cứ biết rằng đây là quả của hạt bạn đã gieo. Rồi chặt cái cây đó đi, đừng nuôi dưỡng cái khổ, cái không thoải mái nữa.
Nếu như đang khổ, khó chịu, nửa sáng nửa tối, thậm chí là u tối, tất cả những trạng thái bạn không hài lòng, nếu như bạn không thể nhảy ra khỏi đó, điều kiện chưa đủ thuận lợi, thế thì hãy ở yên trong đó. Bạn đang khổ, hãy tiếp tục khổ. Giống như cầm một tảng đá nặng, khi nào mỏi tay quá, buông bỏ là chuyện tự nhiên. Chứ không có cái gọi là “Làm thế nào để buông bỏ?” đâu.
Thực ra, chúng ta cực thích trải nghiệm, cực thích mọi cung bậc cảm xúc. Khi bạn thấy bạn cứ chọn khổ, mà chẳng hiểu lý do, chỉ đơn giản vì bạn chưa trải nghiệm khổ đủ nhiều mà thôi. Nó chưa có đã. Bạn muốn chơi tiếp.
Mình không ở đây để nói lý thuyết hay giáo điều, chắc mình ít biết nhất chính là giáo điều. Nên mình cũng không có nhiệm vụ thuyết phục bạn hay giải quyết vấn đề thay cho bạn. Tự bạn phải đi con đường của mình, bằng mọi khả năng bạn có thể.
Để hóa bướm, chú nhộng phải tự mình phá bỏ chiếc kén. Nếu chú nhộng cứ hỏi những con bướm khác “Phá kén thế nào nhỉ?” mà không làm, nó sẽ bỏ lỡ. Chiếc kén không phải là điều cản trở. Chiếc kén, cũng như cái khổ, là một cơ hội, điều kiện tuyệt vời để cánh bướm thành hình.
Tiên Alien
Trả lời