This article is available in English.
Trong Vũ trụ không ngần mé này cái nào là thật, cái nào là ảo ảnh? Hay cả Vũ trụ này đều chỉ là một giấc mơ?
Những câu hỏi siêu hình như thế này chắc hẳn bạn đã từng hỏi ít nhất một lần nếu bạn có hứng thú tìm hiểu tâm linh, huyền học. Ở bài viết này, mình sẽ bàn về thật và ảo, chứ không phải thật và giả. Giả là cái gì đó mô phỏng lại cái thật, thế thì theo một nghĩa nào đó nó cũng là có thật. Ví dụ khi bạn nói đây là đồ giả, nghĩa là đồ đó được nhái lại giống một thương hiệu (thật) nào đó. Nhưng món đồ đó cũng là có thật, nghĩa là nó có-tồn-tại. Mình sẽ không bàn đến thật-giả kiểu như vậy trong bài này.
Mình muốn nói về Thực tế (Reality) và Ảo ảnh (Maya), cách mình nhìn nhận nó qua hành trình đi tìm Sự thật của riêng mình, trải qua 3 giai đoạn. Lưu ý là hành trình của mỗi người là khác nhau, và theo trải nghiệm của mình thì 3 giai đoạn này sẽ không hẳn theo trật tự tuyến tính, mà bằng một cách vi tế nào đó nó có thể xảy ra đồng thời. Điều đó đồng nghĩa là bạn có thể thực hiện thứ mà người ta gọi là “bước nhảy lượng tử”, khi đủ nhân duyên (hay còn gọi là đủ lượng). Hay nói đơn giản hơn, bạn không cần phải đi qua mọi bước để đến đích. Bạn đã đến nơi rồi, bạn chỉ chưa biết điều đó mà thôi.
Giai đoạn 1: Núi là núi, sông là sông
Đây là giai đoạn của một người bình thường, chưa đặt câu hỏi về bản chất thật của mình. Ta máy móc lặp lại những gì người đi trước vẫn làm mà chẳng thèm bận tâm xem ý nghĩa cuộc đời, hay toàn bộ sự tồn tại này là gì.
Ta sinh ra, lớn lên, đi làm, lấy chồng/vợ, có con, nuôi dạy con cái, rồi chết. Ta bận bịu với vòng xoay cơm áo gạo tiền, chạy đuổi theo những giá trị bên ngoài như tiền bạc, địa vị, sự công nhận, hay mối quan hệ, chỉ để đổi lấy niềm vui nhất thời. Khi niềm vui đó mất đi, ta lại tiếp tục nhảy vào một cuộc chơi mới, như những chú hamster trong chiếc lồng.
Ta vẫn có thể có hạnh phúc, nhưng chúng quá mong manh so với toàn bộ nỗ lực mà ta bỏ ra. Đến một điểm nào đó khi sự thất vọng về những điều tạm bợ đó đủ nhiều, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn thứ hai: Hành trình tâm linh, đi vào bên trong để tìm hạnh phúc. Mình gọi đây là lần Thức tỉnh tâm linh thứ nhất.
Phần lớn độc giả của mình đã đi qua giai đoạn này rồi, nên mình sẽ không nói nhiều về phần này. Chúng ta cùng đến giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Núi không là núi, sông không là sông.
Lúc này, cả một Vũ trụ tâm linh kỳ thú mở ra trước mắt với bao điều mới lạ. Ta bắt đầu nhận ra được bản chất thật của mình không phải là “cái tôi” mà ta hay coi mình là. Ta không phải là cơ thể này, không phải là cái tên này, không phải là mối quan hệ (là người yêu, là vợ, là mẹ, là sếp) của ai đó,… Thậm chí cả đời sống này cũng như một giấc mơ trưa, một chỗ dừng chân của ta trên hành trình sống mãi.
Thường thì đến đây, chúng ta dễ bị mê hoặc bởi những “bông hoa ven đường” trên hành trình tâm linh: Tất cả những khái niệm thần thông huyền hoặc, những trò chơi tâm linh, những pháp tu như là chiêm tinh, trải bài tarot, tiền kiếp, mối quan hệ giữa các linh hồn (twinflames, soulmate), Reiki, Kundalini, luân xa,… Mình gọi đó là ngón tay chỉ trăng, chứ chưa phải Mặt trăng.
Vướng bận vào những hình tướng tâm linh đó, cũng chẳng khác gì những vướng bận đời thường, chỉ có điều đây lại là một trò chơi “cao cấp” hơn. Thay vì tham tiền, giờ bạn có cái tham mới: tham thiền. Bạn nhanh chóng từ bỏ “cái tôi” đời thường, và khoác vào cho mình một “cái tôi tâm linh” – coi mình là một người đang tu.
Và người tu có những ham muốn tinh tế hơn nhưng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh giác, ví dụ như là muốn giác ngộ, muốn mình tử tế, từ bi, muốn mình thiện chứ không ác. Mình nghĩ cái muốn đó cũng là “bất thiện”, vì giờ đây thay vì chúng ta “phản bội” người khác, ta sẵn sàng “phản bội”, lừa dối chính mình, ép mình phải khác đi trạng thái mình đang là.
Tu cũng là một trò chơi, mà người tu (hay những linh hồn có nhân dạng) cũng lại là một người chơi khác. “Cái tôi” là toàn bộ những gì ta cho là quan trọng và có ý nghĩa. Toàn bộ những gì ta làm trong ngày, mọi lựa chọn của ta đều nhằm củng cố nhân dạng này. Khi ta cho rằng mình là một linh hồn đang luân hồi qua nhiều kiếp sống và học các bài học, thì tu của ta có nghĩa. Sự tham, sân, si và cả cái khổ của ta đều dính mắc đến linh hồn mà ta cho là vĩnh cửu này.
Vì ta coi nó là thật, nên ta sẽ làm tất cả mọi điều để cho linh hồn đó được an ổn: Tránh tạo nghiệp xấu, thay vào đó là tích phước thiện; cố sức tu tập để linh hồn đó được giác ngộ, về Nguồn;… Rất nhiều người đang ở trong không gian này, đơn giản vì nó còn hiệu quả đối với họ. Luật hấp dẫn vẫn còn vận hành tốt, khi mà họ muốn gì được nấy, nếu không được thì chắc là mình chỉ đang làm sai cách mà thôi. Hoặc là khi đã tu rồi mà ta thấy mình càng ngày càng u tối, càng ngày càng khổ hơn chắc là “bài học” Vũ trụ gửi đến.
Cũng như lần trước, những gì không vĩnh cửu sớm muộn gì cũng gây thất vọng. Ta cứ bám mãi vào một chiếc bè hỏng, trước sau gì nó cũng chìm. Thứ giết chết chính ta không phải là cái bè, mà là cái bám chấp của ta. Khi thất vọng đủ lớn, ta đến với sự sụp đổ của “cái tôi tâm linh” mà mình gọi là lần Thức tỉnh thứ hai.
Có một điều gì đó không đổi thay, không cần phải tu mới thành, không cần phải được nạp vào, học thêm mới biết. Tìm cái đó. Đó chính là Mặt trăng.
Trong một lần ngồi thiền, mình hoàn toàn thất vọng, hoàn toàn khổ đến mức mình đặt câu hỏi “Tại sao phải tu nhỉ?”, đến điểm mình chấp nhận là mình hoàn toàn thất bại, là một người bình thường, còn đầy tham, sân, si, chứ chẳng tu gì mấy, mình đầu hàng rồi. Hôm đó mình nhận ra mình không phải là nhân vật tu thiền mà mình nghĩ mình là (mình gọi đây là bài thiền Quan sát người đang ngồi thiền). Gánh nặng được gỡ bỏ, sự thật được hiển lộ.
Vài tháng sau đó mình có dịp đọc một cuốn sách bên Phật giáo nguyên thủy và nhận ra Đức Phật không hề nói là có linh hồn cụ thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Lấy ví dụ, không có linh hồn của Tiên, hay linh hồn của bạn. Thay vào đó, Ngài chỉ bảo thứ luân hồi gọi là thức. Ở đây mình hiểu thức tương tự như “bộ nhớ” (memory) vậy đó. Giải thích cho những câu chuyện luân hồi ly kỳ mà mọi người vẫn hay bảo nhau để chứng minh rằng nó có thật, thì bộ nhớ này sẽ mang theo những ký ức trong kiếp sống này, và khi hội tụ đủ nhân duyên (thập nhị nhân duyên) sẽ tạo ra một hình tướng mới mà chúng ta gọi là đầu thai.
Một lần nữa, ở đây mình không nói lý thuyết với bạn, cũng không phải để bạn tin hay không tin. Bạn không cần tin, nếu như bạn không thấy như thế. Nếu bạn máy móc tin mình, bạn sẽ bỏ lỡ cái biết thực sự của bạn. Hãy tự tìm đáp án cho riêng mình. Về phần mình thì mình không vì đọc kinh Phật mà tin, mình có trải nghiệm từ trước đó nên đọc kinh mới hiểu hơn mà thôi.
Quay lại thì cái ngộ ra này giải thoát mình khỏi tất cả mọi khái niệm đã có trước đây và đưa mình tiệm cận đến cái vĩnh cửu. Chạm đến cái thường hằng này, mình hay gọi là Đạo, không giúp mình có thêm điều gì, hoặc “hay ho” hơn người ở chỗ nào cả. Chính xác là mình chỉ thoải mái hơn mà thôi.
Hãy luôn đặt câu hỏi trước những niềm tin bên ngoài, mà mình gọi là “lập trình”, kể cả những niềm tin tâm linh, nhất là những niềm tin tâm linh. Mà tốt nhất là đừng tin gì cả, nếu bạn tìm kiếm giác ngộ. Hãy thật thà với chính bản thân về trạng thái bạn đang là, những gì bạn đang cảm thấy, thay vì cố ép mình sống theo một điều gì đó bên ngoài.
Giai đoạn 3: Thấy núi là núi, thấy sông là sông.
Khi chạm đến Sự thật tuyệt đối, dù là ở dạng tiểu ngộ (trải nghiệm nhất thời) hay đại ngộ (sống với sự thật đó toàn thời gian), bạn sẽ thay đổi hoàn toàn.
Lúc này, không có gì thực sự có ý nghĩa tối thượng, mọi điều đều mang màu sắc vô thường. Khi một cái muốn khởi lên, bạn đã thấy trước được kết cục của nó. Bạn sẽ thấy rằng mình chẳng cần đi một vòng tròn lớn (bỏ nhiều công sức để đạt được cái muốn đó) chỉ để quay lại điểm xuất phát. Mình đã bình yên sẵn rồi, hà cớ chi phải tham gia vào trò chơi?
Lúc này, bạn sẽ thấy mọi điều đều là đúng, chẳng có gì cần thay đổi khác đi, kể cả điều người ta cho là vô thường là khổ. Tất cả chỉ là trải nghiệm thôi mà.
Đến đây, mình cổ vũ mọi thứ, đồng thời cũng phủ định mọi điều. Vạn vật đều là con của Đạo, thế thì có điều gì là sai hay xấu xí chăng? Đồng thời vạn vật đều vô thường, thế thì chấp vào nó có ích gì?
Lúc này, bạn nhìn rõ mọi điều như nhìn vào các ứng dụng trò chơi trên điện thoại, bạn có mọi quyền để lựa chọn mở app lên chơi hay không. Mà thường thì mình lười để chơi, vì đã neo tâm tại nơi bình an sẵn, chẳng cần một điều kiện bên ngoài để mang đến niềm vui.
Nó dẫn mình đến một giai đoạn “chán đời”. Chán thực sự, vì mình thấy cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn, luân hồi đôi khi chỉ trong tích tắc. Mình khởi lên cái muốn, mình chọn tham gia để đạt được nó, rồi mình lại hết muốn. Và mình mãi nghĩ về tính ảo ảnh của toàn bộ thực tại này, nó quá là tạm bợ.
Nhưng rồi mình cũng không hiểu vì sao, chắc do đủ nhân duyên, chạm đến những tâm hồn khác trên hành trình của họ, chạm đến vẻ đẹp của cuộc đời này từ những điều thật nhỏ, như là một con ốc sên dù rất chậm nhưng nó vẫn chọn để bò, thế là mình chọn quay lại “phố chợ”.
Dẫu biết là mọi thứ sẽ đi đến điểm kết thúc, nhưng không vì thế mà ta không bắt đầu. Toàn bộ tinh hoa nằm trên hành trình, không phải đích đến.
Cuộc sống là vô thường, nhưng nhờ thế mà đẹp đẽ. Được khổ cũng là một niềm sung sướng. Mình quý tất cả mọi điều mình chạm vào, những con người mình gặp, mang đến cho mình trải nghiệm tuyệt vời.
Cuộc đời này không thật thì có làm sao đâu. Khoảnh khắc này là thật. Rung cảm trong trái tim mình khi nghe một bản tình ca là thật. Cái sướng của mình khi gặp một tâm hồn đồng điệu là thật. Vậy đã đủ.
Mình chọn tham gia vào cuộc sống, khởi lên những cuộc chơi mới, sáng tạo những câu chuyện mới, đơn giản vì mình có thể. Và vì sao mình sống á? Vì mình lỡ còn đang thở thôi.
Tiên Alien
Minie says
Mình thật sự cần bạn giúp. Mình đang thức tỉnh tâm linh nhưng mình rất sợ hãi với những thay đổi của cơ thể và suy nghĩ. Mình thật sự cần bạn giúp để vượt qua
Tiên Trần says
Bạn có thể chia sẻ với mình qua mail hoặc tại đây nhé: https://bit.ly/chia-se-cung-TienAlien